Đây là sự kiện quan trọng, ghi nhận, tôn vinh quá trình nỗ lực, phấn đấu của TP. Hạ Long trong hành trình hơn 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bức tranh nông thôn của Hạ Long đã có sự chuyển biến tích cực, toàn diện.
Trước khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Hoành Bồ (nay là phường Hoành Bồ) chỉ đạt 12,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 19,02%, các xã đạt trung bình mới đạt 4,08/19 tiêu chí và 12,5/39 chỉ tiêu.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2019, huyện Hoành Bồ đã huy động 3.660 tỷ đồng để thực hiện kiên cố hóa trên 73 km kênh mương; nâng cấp, xây mới gần 85 km đường trục xã, gần 250 km đường thôn, xóm. Huyện cũng đã hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn trên một xã đạt 15,7/20 tiêu chí (tăng 12,2 tiêu chí so với năm 2011, không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí).
Trường TH&THCS xã Kỳ Thượng được đầu tư xây dựng mới mang lại điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh dân tộc thiểu số xã vùng cao Kỳ Thượng. Ảnh: Thu Hường. |
Tháng 1/2020, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long, Ban Thường vụ Thành uỷ đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố; xây dựng và phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến hết năm 2025 có 75% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
TP.Hạ Long đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách khoảng 2.100 tỷ đồng để tiếp tục cứng hoá đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hoá, trường học, trụ sở xã, trạm y tế xã… Đồng thời, đầu tư các công trình trọng điểm, nhằm hoàn thiện và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Các xã đã kiên cố hoá hệ thống giao thông đạt 100%, hệ thống kênh mương đạt 90,3%; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; 100% trường học các cấp đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1; 12/12 xã có nhà văn hoá xã, thôn, có điểm vui chơi, giải trí và thể thao. Toàn thành phố có 65 sản phẩm tham gia chương trình OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 28 sản phẩm đạt sao từ 3 sao đến 5 sao.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 64,1 triệu đồng/người/năm; hết năm 2021 trên địa bàn thành phố không còn hộ nghèo. Cả 12 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,5%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 89,2%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; diện tích cây xanh nơi công cộng tại các điểm dân cư nông thôn trung bình đạt 5m2/người; trên 90% rác thải sinh hoạt trên địa bàn các xã đã ký hợp đồng, được thu gom, xử lý; quốc phòng an ninh trên địa bàn các xã luôn được giữ vững.
Với những kết quả này, ngày 27/6/2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 766/QĐ-TTg công nhận TP Hạ Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2021.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trao quyết định công nhận TP. Hạ Long hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2021. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã biểu dương và đánh giá cao những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP.Hạ Long trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, đi đầu, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã Việt Dân (Thị xã Đông Triều) là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên cả nước.
Tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) là sản phẩm riêng của tỉnh được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng ra khắp cả nước. Những thành tích đạt được nêu trên có phần đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP.Hạ Long.
UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 10 cá nhân; UBND TP. Hạ Long tặng Giấy khen cho 26 tập thể, 50 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Với phương châm xây dựng nông thôn mới là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc, ông Diện yêu cầu TP.Hạ Long cần thực hiện bài bản lộ trình nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Mục tiêu đặt ra là kinh tế phát triển, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, xã hội thanh bình, nhân dân giàu có và hạnh phúc; để Hạ Long xứng đáng là đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia tầm quốc tế, trở thành hạt nhân thúc đẩy, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.