Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN |
Thanh toán di động tăng vọt
Lâu nay, nói đến thanh toán số, nhiều người hay nhắc đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử mới chỉ chiếm 10-12 tỷ USD trong khi mỗi ngày, hệ thống thanh toán liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch, bù trừ điện tử của ngành ngân hàng đã xử lý tới 20 tỷ USD.
Nhiều con số khác cũng chứng minh, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng vọt. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, giao dịch chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng tương ứng khoảng 74,5% về số lượng và tăng 110,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 08 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 94,2 triệu món, giá trị đạt gần 67,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 85,6% về số lượng và 138,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 (là năm ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg). Số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%. Đặc biệt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng gần 981% về số lượng, tăng gần 800% về giá trị. Tính trong cả 5 năm qua, thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị
Theo khảo sát của Công ty PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Đến cuối tháng 8/2020, toàn thị trường có khoảng 75 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Các đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... Đến nay có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code (một hình thức thanh toán mới, hiện đại tại đơn vị chấp nhận thanh toán tương tự như thanh toán qua POS).
Một điểm khá thú vị là số lượng và giá trị thanh toán qua ATM gần như không tăng trong khi các kênh khác tăng mạnh. Trước kia, Napas xử lý 90% giao dịch ATM song hiện nay, số lượng giao dịch qua ATM chỉ còn chiếm 6% tổng số giao dịch mà Napas phải xử lý mỗi năm.
Thị trường xuất hiện các “tay chơi mới”
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của sân chơi tay toán 5 năm vừa qua là sự xuất hiện và gia nhập của những tay chơi mới. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, Việt Nam đã có 78 tổ chức triển khai thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua di động và 34 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng đang trong hành trình chuyển đổi để có thể cung cấp trải nghiệm số hóa toàn diện, trở thành một sàn giao dịch với đa dạng các dịch vụ và sản phẩm, cung cấp giải pháp kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ ngân hàng. Trong khi đó, các trung gian thanh toán (Fintech) tại Việt Nam đang được phép cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, dịch vụ Ví điện tử .
Sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Các lĩnh vực hợp tác chính như: Cải tiến sản phẩm, tiếp cận và tiếp nhận khách hàng, thẩm định, dịch vụ và tối ưu hoạt động. Fintech phân loại các sản phẩm ngân hàng truyền thống, cung cấp các tùy chọn chi phí thấp hơn, trải nghiệm người dùng tốt hơn, thu hút khách hàng thông qua các kênh số hóa được cung cấp cho việc tiếp nhận ban đầu, nhanh chóng, không cần giấy tờ.
Các ngân hàng bổ sung cho mô hình chấm điểm tín dụng truyền thống của mình, sử dụng các mô hình dựa trên thuật toán nhanh hơn tận dụng dữ liệu lịch sử và các dữ liệu thay thế. Sự hợp tác này mang lại dịch vụ trên các kênh số hóa, hướng tới người tiêu dùng đã đạt mức trưởng thành số hóa cao, các tùy chọn tự phục vụ trên các kênh số hóa có thể theo dõi và có thể thực hiện liền mạch các yêu cầu của khách hàng. Cùng với sự xuất hiện các chủ thể mới, hệ sinh thái số cũng ngày càng phát triển.
Thông tin thêm tại Hội thảo sáng nay, ông Dũng cho biết thêm, Thông tư về eKYC vừa được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ký sáng nay. Đây là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển.
Về thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, NHNN cho biết sẽ thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện tốt hơn nữa khung pháp lý. “Chúng tôi đang nghiên cứu,x em xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không.Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (fintech, Big Tech…) chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như QR, tiền điện tử…”, ông Dũng cho hay.