Ngân hàng - Bảo hiểm
Thanh toán không tiền mặt tăng 3 con số, rút tiền qua ATM giảm gần 10%
TL - 07/04/2022 18:59
Napas cho hay, quý I/2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi rút tiền qua ATM giảm 9,6%.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam lần 2 (năm 2022), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, xu hướng thanh toán không tiền mặt đang tăng mạnh. Trong quý I/2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng mạnh, trong khi giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý I/2022 có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021.  

Đại dịch Covid 19 hai năm qua chính là cú hích thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán số. Người dân có xu hướng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và sử dụng thanh toán điện tử nhiều hơn.

Ngày Thẻ Việt Nam là một trong những sự kiện nhằm hướng tới các mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy người dùng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip; truyền thông về xu hướng thanh toán không tiếp xúc (contactless), mã QR, công nghệ NFC, công nghệ eKYC…

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, Ngày Thẻ Việt Nam 2022 là một chuỗi các sự kiện, hoạt động truyền thông gắn với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tạo cầu nối, khơi nguồn cảm hứng giúp giới trẻ Việt Nam, nhất là thế hệ Gen Z am hiểu công nghệ với phong cách sống số năng động, nhu cầu cá nhân hóa cao có cơ hội nắm bắt, khám phá, trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện đại, tiện ích của thẻ ngân hàng nói riêng và hoạt động thanh toán số nói chung trong bối cảnh Việt Nam chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt với giai đoạn hậu Covid-19".

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thứ nhất, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công như: Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 03 nhà mạng viễn thông triển khai; Hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); (iii) Tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán về thẻ Chip, QR code và công tác đảm bảo an ninh an toàn, hoạt động nghiệp vụ;…

Thứ hai, thúc đẩy các  tổ chức tín dụng, tổ chức thanh toán việc ứng dụng công nghệ để cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặtđổi mới, phù hợp, chí phí hợp lý như: QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking...cho phép khách hàng có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện hơn trong thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử đối với dịch vụ công.

Ngày thẻ Việt Nam lần 2 với sự kiện tâm điểm Sóng Festival (Sân vận động Bách Khoa - Hà Nội từ 16-17/4/2022) sẽ có sự tham gia của hơn 20 tổ chức tài chính, ngân hàng với tư cách nhà tài trợ; Cùng hơn 100 doanh nghiệp là đối tác gian hàng trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục, thời trang, ẩm thực dành cho giới trẻ. Ngoài ra, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện còn có Toạ đàm Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch tổ chức ngày 13/04/2022 tại Báo Tiền Phong và sự kiện Mega Sales diễn ra trong tháng 4/2022 với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại

Thứ ba, tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. Thúc đẩy việc hợp tác ngân hàng - công ty Fintech để cung ứng các dịch vụ tiện ích cho khách hàng trên các ứng dụng điện thoại thông minh. 

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi miễn/giảm phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên có những chỉ đạo đối với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; hướng dẫn công tác tra soát, khiếu nại; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Tiếp tục đà tăng trưởng trong 2 năm qua, trong Quý 1.2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với Quý I.2021. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM Quý I.2022 có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2021. Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt.

Tin liên quan
Tin khác