Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhưng thanh toán trực tuyến lại không theo kịp sự phát triển đó. |
Thanh toán trực tuyến… rùa bò
Mỗi tháng, sàn Tiki có từ 4,5 - 5 triệu đơn hàng, nhưng thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là tiền mặt.
Theo báo cáo mới nhất do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam nửa đầu năm 2020 đạt 5 tỷ USD và có thể cán mốc 13 tỷ USD trong cả năm.
“Thị trường TMĐT Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua với tốc độ tăng trung bình trên 25%/năm. Doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2019 vào khoảng 10,8 tỷ USD, đạt tỷ trọng 4,9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước. Lượng người Việt tham gia mua sắm trực tuyến vẫn tăng trưởng qua từng năm. Năm 2019, có khoảng 44,8 triệu người tham gia mua trực tuyến” ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) cho biết.
Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận được đơn xin gia nhập thị trường mua sắm online lên đến 45.000 đơn. Tức là về mặt nguyên tắc sẽ có đến 45.000 sàn thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ chờ cơ quan chức năng cấp phép.
Những con số trên cho thấy, thị trường TMĐT Việt Nam đang có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhưng thanh toán trực tuyến lại không theo kịp sự phát triển đó.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nhận xét: “Hiệu suất của Việt Nam về mặt thúc đẩy nền kinh tế số tương đương với các nước Đông Nam Á, ngoại trừ thanh toán”. Có tới 82% dân số tại Việt Nam có thể truy cập Internet tốc độ cao, nhưng chỉ có 10% người dùng trả tiền trực tuyến để mua hàng trên Internet, mức này thấp hơn đáng kể so với Indonesia và Malaysia. Có nghĩa rằng, 90% người tiêu dùng TMĐT ở Việt Nam sử dụng tiền mặt để mua trực tuyến.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, giao dịch bằng tiền mặt trong TMĐT vẫn chiếm tới 88%, thanh toán trực tuyến chỉ 12%. Với tỷ lệ thanh toán trực tuyến thấp như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của TMĐT. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì khi thị trường hoặc nguồn vốn đầu tư thay đổi, doanh nghiệp và cả thị trường sẽ không mở rộng, không phát triển được.
“Thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua không đạt kỳ vọng. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có niềm tin với các giao dịch trực tuyến. Việc vẫn tiếp tục dùng tiền mặt sẽ mang đến rủi ro cho cả khách hàng và doanh nghiệp TMĐT”, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại Tiki miền Bắc nói.
Cần giải pháp tổng thể
Để tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong TMĐT cần có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng mấu chốt vẫn là khai thông hành lang pháp lý.
Theo bà Amanda Rasmussen, Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), việc thiết lập chính sách phù hợp cho phép sử dụng ví điện tử và các phương thức thanh toán điện tử khác có thể hỗ trợ làm giảm việc sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện cho TMĐT hiệu quả hơn, giảm các tình huống tham nhũng và gian lận.
“Việc đặt ra giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực”, bà Amanda Rasmussen nhấn mạnh.
Còn theo ông Hoàng Quốc Quyền, để giải quyết vấn đề này, thị trường cần các cơ chế đồng bộ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước để giúp người dân có thể tiếp cận tốt hơn với thanh toán trực tuyến và tạo dựng được niềm tin với các giao dịch điện tử. Các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online, đồng thời, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC). Cùng với đó sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.
Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ…