Công văn nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu NHNN thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng.
Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đến nay, tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Để kịp thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12 và kết quả thanh tra trong tháng 1/2024.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Hiện dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Cuối tháng 11/2023, một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng khá cao và đã gửi đề xuất tới NHNN được nới room tín dụng. Trong tuần qua (ngày 29/11), NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022; đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Đầu năm nay, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 14-15% để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6,5%. Tuy nhiên, năm nay, khả năng GDP chỉ tăng 4,7-5%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì tín dụng chỉ tăng trưởng 11-12% là hợp lý, không nên để mục tiêu tăng trưởng 14-15%.
“Tóm lại, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trưởng với tốc độ như vừa qua là bình thường, đúng chu kỳ. Chỉ có điều, chúng ta tính đến điều xấu nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất. GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng, chỉ 11-12% là phù hợp, không nên nhắc tới mục tiêu tăng 14-15%”, ông Trung khuyến nghị.
Đồng tình, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng thực chất Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao (tín dụng/GDP lên tới 130%). Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển thì tín dụng chỉ nên tăng ở mức 10%/năm, không nên ở mức 13-15% như hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, hiện lãi suất không phải là vấn đề cốt yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp mà là do rủi ro từ môi trường kinh doanh và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cản trở lớn nhất đối với tăng trưởng tín dụng hiện nay là tổng cầu yếu, doanh nghiệp khó tìm được đầu ra. Tiêu dùng trong nước cũng chưa thể đạt được như kỳ vọng do tâm lý thắt chặt hầu bao của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chi tiêu đầu tư công dù đã cải thiện rất nhiều so với những năm trước nhưng vẫn ở mức thấp.
“Muốn đẩy mạnh tín dụng thì phải kích cầu, dòng tiền phải lưu thông, còn không sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn. Thanh khoản dôi dư của các ngân hàng thương mại không chảy ra được nền kinh tế thì sẽ quay trở lại mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu Kho bạc Nhà nước rồi quay trở về NHNN, làm cho nền kinh tế lúc nào cũng thiếu tiền”, ông Hòe nói.
Theo chuyên gia này, tín dụng thường bứt tốc trong những tháng cuối năm, khi cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán do tiêu dùng tăng mạnh dẫn đến nhu cầu vốn lớn của các doanh nghiệp để tích trữ nguyên liệu đầu vào đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình chung của kinh tế thế giới hiện nay và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 5%, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ bị hạn chế hơn.