Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng năm 2024. Phó thống đốc Phạm Quang Dũng nhận định, ngành ngân hàng vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn khá ngổn ngang. Hoạt động của nhiều TCTD còn tiềm ẩn rủi ro, gây áp lực lớn đến công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.
Trước yêu cầu công việc ngày càng cao, sự phức tạp ngày càng gia tăng trong hoạt động của các TCTD, công tác thanh tra giám sát cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng phát biểu |
Ông Lại Hữu Phước, Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hầng chỉ ra những khó khăn trong hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng như: quy mô các TCTD ngày càng lớn, hoạt động ngày càng phức tạp và đa dạng, khối lượng công việc phải xử lý lớn hơn, nhiều công việc có tính phức tạp cao, trong khi đó lực lượng cán bộ thanh tra giám sát còn hạn chế. Chất lượng thông tin, dữ liệu phục vụ giám sát chưa hoàn thiện, phụ thuộc nhiều vào tính trung thực, chính xác của số liệu do các TCTD báo cáo, hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, phương tiện hỗ trợ hoạt động giám sát còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác giám sát một số nội dung hoạt động chưa cao, một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn chưa phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý hiệu quả…
Một số sai phạm, tồn tại của các TCTD được tích tụ từ nhiều năm trước, để xử lý dứt điểm đòi hỏi phải phối hợp với nhiều cơ quan, bộ, ngành và phụ thuộc vào điều kiện thị trường, gây áp lực cho công tác thanh tra giám sát. Tình hình tội phạm mạng, sử dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng có diễn biến phức tạp, gây tổn thất cho TCTD, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ, công chức còn thiếu, trình độ không đồng đều, năng lực thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ thực hiện thanh tra giám sát ngân hàng còn hạn chế và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính, ngân hàng. Công tác đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác thanh tra giám sát đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra. Cơ sở pháp lý về thanh tra giám sát cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để tăng cường hiệu quả, hiệu lực thanh tra giám sát ngân hàng.
Qua thực tiễn thanh tra giám sát, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng lưu ý các TCTD một số nội dung như: nợ xấu có xu hướng tăng; hoạt động tín dụng của một số TCTD còn chưa đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD còn tồn tại một số vấn đề; Tiến độ triển khai phương án cơ cấu lại của một số TCTD còn chậm; Hoạt động đại lý bảo hiểm; hoạt động thu nợ còn một số tồn tại…
Theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, mặc dù tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, chất lượng tín dụng có xu hướng giảm nợ xấu có nguy cơ gia tăng... Nguyên nhân được xác định là do ảnh hướng suy thoái kinh tế và thiệt hại do thiên tai gây ra tại nhiều địa phương. Cùng đó, việc hấp thụ vốn của DN vẫn còn hạn chế, chưa được cải thiện, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với khó khăn.
Do đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh cần lưu ý việc cấp tín dụng cho các khách hàng, nhóm khách hàng liên quan tới cổ đông lớn, cổ đông chi phối; việc cấp tín dụng đối với một số khách hàng có dấu hiệu tài chính cần lưu ý, cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (gồm các lĩnh vực: bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán)…
Thời gian tới, Phó thống đốc yêu cầu, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2024, bảo đảm tiến độ triển khai từng đoàn thanh tra tuân thủ theo quy định của pháp luật; xây dựng sớm Kế hoạch thanh tra năm 2025, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nguồn lực của đơn vị và có tính dự phòng các công việc phát sinh đột xuất... Khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra; Tăng cường giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để đôn đốc, thúc đẩy đoàn thanh tra bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong hoạt động thanh tra.
Đồng thời, nâng cao chất lượng kiến nghị tại các kết luận thanh tra; kịp thời, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra đảm bảo các TCTD thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý. Kịp thời lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng đối với các vi phạm, sai phạm của TCTD để xử lý theo quy định pháp luật...
Đặc biệt, tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám sát; tập trung giám sát về chất lượng tín dụng; việc cấp tín dụng đúng đối tượng và lĩnh vực... nhằm phát hiện các rủi ro, tồn tại, vi phạm quy định để kịp thời cảnh báo rủi ro, chỉ đạo có biện pháp xử lý góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD; tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD yếu kém, có nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động.
Tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 689 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về triển khai thực hiện Đề án 689. Giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.