Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, BOT Duyên Hải 2 sẽ là dự án đầu tiên mà tỷ lệ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ của Chính phủ cho dự án từ đồng Việt Nam sang USD là 30% doanh thu, sau khi trừ chi tiêu bằng đồng Việt Nam. Với 70% nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ còn lại, công ty BOT sẽ thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ để có đủ nguồn ngoại tệ cho công ty BOT khi cần thiết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của nhà đầu tư cho hay, khác với các dự án BOT điện trước đây được cam kết chuyển đổi ngoại tệ 100%, còn BOT Duyên Hải 2 có sự thay đổi lớn. Vì thế, các nhà đầu tư những dự án điện BOT khác và các cơ quan hữu trách cũng đang rất quan tâm tới tiến trình thực hiện dự án này.
Chuyển đổi ngoại tệ cũng từng là một điểm vướng lớn trong quá trình đàm phán các dự án BOT thời gian qua. Bởi vậy, tất cả dự án điện BOT đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho tới thời điểm này đều được cam kết chuyển đổi ngoại tệ 100%.
Có công suất 1.200 MW với quy mô vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, Dự án BOT Duyên Hải 2 do Công ty Janakuasa SDN BHD (Malaysia) đầu tư tại tỉnh Trà Vinh, trong Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải. Được biết ngày 12/2/2015, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, sau khi các hợp đồng liên quan của dự án được ký tắt vào cuối tháng 12/2014. Vào ngày 3/6/2015, nhà đầu tư cũng đã có văn bản giải trình về các ý kiến của cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định. Mong muốn của nhà đầu tư là nhận được giấy chứng nhận đầu tư trong quý II/2015, sau đó ký chính thức hợp đồng BOT vào quý III/2015. Sau khi hoàn tất thu xếp tài chính, dự kiến vào quý III/2016, nhà máy sẽ được khởi công với kế hoạch vận hành tổ máy 1 vào quý I/2021 và tổ máy 3 vào quý III/2021.
Ngoại trừ 5 dự án BOT điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 đã đi vào hoạt động, Mông Dương 2 bắt đầu phát điện, Hải Dương và Vĩnh Tân 1 đang thu xếp vốn) và 1 dự án đang chờ cấp giấy chứng nhận đầu tư (Duyên Hải 2), hiện còn 15 dự án BOT khác đang trong quá trình thương thảo các hợp đồng liên quan.
Nhận định về các dự án điện BOT, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi họp kiểm điểm các dự án điện BOT, dự án điện độc lập (IPP) cũng cho rằng, quá trình đàm phán các dự án đang bị chậm. Có dự án được giao thực hiện gần 10 năm, đến nay vẫn chưa tiến hành thu xếp tài chính để khởi công xây dựng công trình. Thậm chí sau gần 10 năm, ngoài Dự án BOT Mông Dương 2 đang xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2015 này, vẫn chưa có thêm dự án BOT điện nào được khởi công.
Phó thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan như khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến thu xếp vốn của nhà đầu tư, quy định luật pháp của Việt Nam trong lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi được... còn có nguyên nhân chủ quan do sự chậm trễ, thiếu khoa học và linh hoạt trong quá trình phối hợp của chính các tổ chức, cơ quan trực tiếp thực hiện việc đàm phán với các nhà đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện BOT, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương đưa ra quy định chung cho cả bộ hợp đồng BOT, Bảo lãnh và Cam kết của Chính phủ (GGU). Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng BOT các dự án đã gần hoàn thành, chuẩn bị ký tắt hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam như Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3 và Vân Phong 1.
Được biết, một số dự án BOT khác cũng đang rất nỗ lực triển khai với mục tiêu có thể đến đích nhanh. Đơn cử như Dự án BOT Nhiệt điện Sông Hậu 2 do Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia) đầu tư có quy mô 2.000 MW tại tỉnh Hậu Giang.
Tháng 5/2014, chủ đầu tư và Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) đã ký thỏa thuận nguyên tắc các hợp đồng Dự án. Vào cuối tháng 5/2015, các cơ quan hữu trách đã đàm phán phiên thứ nhất với nhà đầu tư về Hợp đồng BOT của Dự án. Dự kiến, phiên đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 7/2015.
Được biết, tại dự án này, nhà đầu tư đã đề xuất tiến độ vận hành tổ máy 1 vào năm 2021, tổ máy 2 vào năm 2022, sớm hơn từ 3 - 4 năm so với phê duyệt cho dự án tại Quy hoạch điện VII trước đó.
Còn tại Dự án điện BOT Long Phú 2, do Công ty TATA Power (Ấn Độ) phát triển với quy mô 1.200 MW, kế hoạch vận hành tổ máy 1 cũng được đề xuất là vào khoảng nửa cuối năm 2021, tổ máy 2 chậm nhật là tháng 3/2022, sớm hơn gần 1,5 năm so với biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa nhà đầu tư với Tổng cục Năng lượng.