Ngày 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường như xung đột vũ trang, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.
Trong nước, nhiều đánh giá, nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn trước những biến động lớn của tình hình khu vực thế giới, khu vực. Nhiều ngành, lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng sau dịch, nhất là hàng không, du lịch, bán lẻ…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022. (Ảnh: Đức Trung) |
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đề nghị các đại biểu, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đi sâu vào trao đổi các khó khăn, đưa ra các đề xuất cần tháo gỡ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, “Chúng tôi cũng muốn khẳng định lại là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm sao nhanh chóng vượt qua khó khăn, nắm bắt được các cơ hội".
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ lạm phát lớn, trong khi khả năng giảm thuế, phí xăng dầu thì từ nay đến cuối năm là khó.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu dù đang thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn thách thức. “Xuất nhập khẩu của chúng ta phụ thuộc và tương tác cực lớn với thị trường Trung Quốc, do đó tiềm ẩn khó khăn thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Một thách thức lớn nữa được ông Tuấn chỉ ra là việc bắt đầu từ năm 2023, Việt Nam sẽ thực hiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. “Các tập đoàn lớn rất quan ngại xu hướng này. Vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu nhờ chi phí giảm. Trong xu thế lương, chi phí nhân công tăng, thuế cũng tăng do áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ cần lập tổ công tác đặc biệt về vấn đề này”, ông Tuấn đề nghị.
Ông Tuấn cũng đề nghị các hiệp hội chủ động đề xuất, các cơ quan thúc đẩy cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp .
Thời gian rồi đi nhiều địa phương, không khí bộ máy thực thi chưa tốt, còn né, an toàn do nhiều lý do. Bối cảnh hiện nay cần tăng tốc. “Đây là một giải pháp cần sự đậm nét cuối năm 2022, đầu năm 2023”, ông đề nghị.
Đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ngành hàng, theo đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam, để bình ổn giá cả thị trường nội địa thì giá xăng dầu đóng vai trò quan trọng. Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có tác động để ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới.
Trong khi đó, vị đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, thời gian qua, chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái ổn định, nhưng với các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nhiều đang mất lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Vị này đề nghị giữ tiền đồng ở mức giá vừa phải để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lợi thế cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ các ý kiến đa chiều tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm.