Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc - Ảnh: Quochoi.vn. |
Đó là một trong những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu khi phát biểu bế mạc hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8.
Ông Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và tán thành, ghi nhận các giải pháp cam kết tại phiên chất vấn lần này.
Doanh nghiệp tiếp tục có đơn thư về hoàn thuế VAT
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các bộ trưởng có liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Một số vấn đề chủ yếu cần tâp trung được ông Huệ đề cập là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật được đề ra tại Kết luận 19 ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa và các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tập trung khắc phục cơ bản tình trạng chậm hồ sơ đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc thực hiện chủ trương thí điểm những nội dung khác luật, những đề xuất một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chưa được lý giải thuyết phục sự cần thiết và chưa đánh giá kỹ tác động, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Yêu cầu tiếp theo từ Chủ tịch Quốc hội là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận công chức pháp chế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật, ông Huệ phát biểu.
Với Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc phối hợp với các cơ quan hữu quan tập trung rà soát hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh, luật, nghị quyết theo tinh thần Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
“Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện đầy đủ, kịp thời Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội về tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan đến các thị trường hàng hóa, dịch vụ, chứng khoán, bất động sản, mua sắm, đầu tư công, phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế giá trị gia tăng….”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Huệ cũng nói thêm là, những nội dung này vẫn tiếp tục có những vướng mắc, nhất là lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng.
“Hôm nay có đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính ở đây, chúng tôi cũng xin báo cáo thêm nội dung này. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đang chuẩn bị phiên giám sát và giải trình đối với các nội dung này, chúng ta làm sao đó vừa ngăn ngừa được những hành vi trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong chính sách, vừa phải đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Luật Quản lý thuế. Thời gian hoàn thuế tiền kiểm là không quá 4 tháng và hậu kiểm là không quá 5 ngày, chúng ta làm sai việc này thì các doanh nghiệp sẽ khó khăn rất lớn. Hiện nay số lượng doanh nghiệp tiếp tục có đơn thư gửi về cho các cơ quan Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội vẫn tiếp tục tăng lên”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU
Với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Đẩy nhanh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch cụ thể để vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng cao và giá cả cũng đang tăng, ngăn ngừa rủi ro bắt sóng xuất khẩu để hổng thị trường trong nước, ông Huệ lưu ý.
“Cần lấy yếu tố bảo đảm chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp sâu rễ, bền gốc. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều phối công tác thu mua, chế biến, bảo quản lúa gạo, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu gạo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Liên quan đến giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản, ông Huệ nêu rõ yêu cầu tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU (khai thác bất hợp pháp).
Yêu cầu cụ thể là kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến qua các đồn, trạm biên phòng tuyến biển, bảo đảm đủ các điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhất là cần điều tra, xử lý, truy tố hình sự các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối, đưa tàu cá ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân đối với những trường hợp tàu cá và ngư dân đã và đang bị nước ngoài bắt giữ ở vùng nước lịch sử, các khu vực biển chồng lấn. Tiến hành truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm soát nguyên liệu thủy sản, khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng container, Chủ tịch Quốc hội nêu .
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU. Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU và tiếp tục giải trình, vận động EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng của EC về thủy sản đối với Việt Nam.