Nhận diện thuận lợi và khó khăn
Có thể nói, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm như: có nhiều tài nguyên du lịch, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc, cùng với mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu...
Đặc biệt, Việt Nam có chính trị ổn định. Năm 2019, Tạp chí Global Finance đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới, trong đó Việt Nam có chỉ số an toàn đạt 11,15 điểm, xếp trên cả Thái Lan.
Trên thực tế, các loại hình kinh tế ban đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố giải trí.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 khu chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Thực tiễn cho thấy, kinh tế ban đêm tạo ra cú hích rất lớn cho sự phát triển của thị trường văn hóa, ví dụ như âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác. Môi trường và nhu cầu thực tế sôi động sẽ tạo ra động lực để nền công nghiệp giải trí phát triển.
Ngoài ra, phát triển kinh tế ban đêm cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần duy trì ổn định xã hội. Các loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng của kinh tế ban đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động lớn.
Bên cạnh những lợi ích mang lại, kinh tế ban đêm cũng có rủi ro tiềm ẩn cần nhận diện. Đó là tiêu tốn một khoản chi phí xã hội không mong muốn như chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát…
Hơn nữa, tiếng ồn khiến cho một số bộ phận cư dân ở trung tâm thành phố, đô thị không ngủ được, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động. Bên cạnh đó là sự chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội, lai căng văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng, rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường…
Ở Việt Nam, kinh tế ban đêm phát triển còn chậm và đơn điệu, chưa có được thương hiệu nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún, chưa tạo được dấu ấn.
Đây là một trong những lý do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam thấp so với các thị trường khác. Chẳng hạn, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), năm 2016, doanh thu của các hộ kinh doanh mở cửa đến 2 giờ sáng tăng hơn 50%, nhưng đến năm 2018 chỉ tăng khoảng 30%, khiến số hộ đăng ký hoạt động ban đêm ngày càng giảm.
Hơn nữa, nếu không quản lý chặt, kinh tế ban đêm có thể vô tình trở thành môi trường thuận lợi làm gia tăng các loại tội phạm, kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến như mại dâm, ma túy, cờ bạc…, gây khó khăn cho quản lý.
Sớm có cơ chế, chính sách phù hợp
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, việc phát triển kinh tế ban đêm đối với Việt Nam còn là chặng đường dài. Trước hết, cần đảm bảo một khung cơ chế, chính sách tài chính để xây dựng hành lang pháp lý thông suốt cho sự phát triển của lĩnh vực này.
Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp để quản lý đồng bộ, toàn diện. Trong đó, sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm (quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên; thời gian, giấy phép, tiêu chuẩn hoạt động...).
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ. Vận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp thông qua quảng cáo, truyền thông trên các màn hình LED lớn tại các điểm công cộng. Đây cũng là công cụ để tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chuyên trách trong việc quản lý các khu phố, khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
Tập trung phát huy thế mạnh của du lịch vùng, miền, du lịch văn hóa - lịch sử, bởi một trong những xu hướng của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế hiện nay là muốn được khám phá sâu hơn, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa - lịch sử, sản phẩm du lịch ở mỗi điểm đến.
Vì vậy, mỗi địa phương cần hướng đến đúng nguồn khách và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt cần quan tâm đến hoạt động nghệ thuật đặc trưng, có bản sắc riêng để giữ chân du khách. Những chương trình biểu diễn nghệ thuật có chiều sâu văn hóa, lịch sử, nhưng cũng có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới luôn là sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách tham gia và chi tiêu mạnh về đêm.