Bốn đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới gồm Skidmore, Owings & Merrill (Hoa Kỳ), Gensler (Hoa Kỳ), Farrells (Anh) và Pelli Clarke & Partners (Hoa Kỳ) đã thuyết trình chi tiết ý tưởng thiết kế và bảo vệ phương án kiến trúc của mình trước các thành viên Hội đồng thi tuyển, gồm các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị và kiến trúc.
Các đơn vị tư vấn đều cho thấy sự quyết tâm và tập trung những gì tinh hoa nhất của mình với mong muốn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc tiếp theo, tiếp nối những công trình được coi là kỳ quan mới của thế giới và là những biểu tượng mới cho các quốc gia và lãnh thổ như Burj Khalifa 163 tầng (Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất), Tháp Thượng Hải 128 tầng (Trung Quốc), Tháp CITIC 115 tầng (Trung Quốc), Tháp đôi Petronas 88 tầng (Malaysia)… vì các đơn vị đều hiểu được mong muốn của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) trong nỗ lực kiến tạo “một công trình điểm nhấn của một dự án điểm nhấn” nơi trái tim của cả nước Việt Nam.
Phát biểu sau khi nghe các đơn vị thuyết trình tại phiên họp toàn thể lần thứ hai, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đánh giá: “Cả 4 phương án kiến trúc đều thể hiện sự đầu tư hết sức kỹ lưỡng, công phu và tâm huyết của các đơn vị tư vấn. Các đơn vị tư vấn đã nghiên cứu rất sâu về Hà Nội, về Việt Nam để xây dựng nên các tác phẩm kiến trúc mang tính biểu tượng, không chỉ là điểm nhấn của khu đô thị mà nó còn là biểu tượng mới thể hiện được sự văn minh, hiện đại của Hà Nội, một trong những Thủ đô ngàn năm văn hiến của thế giới như lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, thành viên Hội đồng thi tuyển đã kỳ vọng tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất”.
Các thành viên Hội đồng thi tuyển lắng nghe phần trình bày phương án của các đơn vị tư vấn. |
Cũng theo lời của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất “sẽ rất khó cho Hội đồng thi tuyển trong việc lựa chọn một phương án phù hợp nhất trong các phương án kiến trúc hoành tráng của các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới”, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 này, những chuyên gia và kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm của Hội đồng thi tuyển sẽ cùng đánh giá, chấm điểm các phương án dự thi dựa trên các tiêu chí đã được thống nhất, đảm bảo sự khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của Nhà nước và luật pháp quốc tế, và lựa chọn ra phương án có ý tưởng thiết kế kiến trúc sáng tạo, độc đáo, đáp ứng tầm nhìn và mục tiêu của dự án, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, đồng bộ, áp dụng những tính năng thông minh cùng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, tạo nên biểu tượng xứng tầm cho kỷ nguyên phát triển của huyện Đông Anh, của Thủ đô Hà Nội và của cả Việt Nam.
Dự kiến sau khi hoàn thành, Tháp Tài chính 108 tầng sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và là một trong những tòa nhà cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tháp Tài chính 108 tầng là một siêu tổ hợp hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế tại vị trí cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế Nội Bài và thành phố Hà Nội với nhiều chức năng như văn phòng, thương mại, khách sạn, du lịch… trở thành điểm nhấn về cảnh quan đô thị, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho Hà Nội và Việt Nam.
Phối cảnh dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội. |
Tháp Tài chính 108 tầng là công trình điểm nhấn của dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (NHSC), liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án là 4,2 tỷ USD trên tổng diện tích gần 272 ha.
Dự án không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo mà còn là biểu tượng bền vững cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản với kỳ vọng hiện thực hóa một trung tâm đô thị đẳng cấp quốc tế dẫn đường cho kỷ nguyên mới của khu vực Đông Nam Á.