| ||
Việc triển khai Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ mới dừng ở bước nghiên cứu đầu tư |
Ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh văn phòng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, thông tin Bộ này đã đồng ý cho đơn vị đề xuất dự án là Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam triển khai theo hình thức BOT, đồng thời gian đơn vị này cùng đối tác Hoa Kỳ, phối hợp lập dự án khả thi, giải trình rõ giải pháp tài chính, phương án hoạt động khai thác tuyến và thu hồi vốn... là không chính xác.
Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải mới chỉ thống nhất về chủ trương giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam tiến hành nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao từ TP.HCM đi Cần Thơ thông qua tài trợ không hoàn lại của một số nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến dự án theo hình thức BOT.
Trước đó, trong Thông báo số 784/TB - BGTVT ngày 24/101/2013 về cuộc họp nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy giao Ban PPP hỗ trợ các nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện nghiên cứu đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước".
Trước đó, theo Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt vào cuối tháng 8/2013, thì tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ bắt đầu tại ga lập tàu hàng An Bình, xã An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cái Răng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Dự kiến, tuyến đường sắt khổ 1.435 mm, dài 173,6 km này sẽ đi qua Bình Dương, TP.HCM (quận Thủ Đức, quận 12, quận Hóc Môn, quận Bình Chánh), Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Trên tuyến bố trí 15 ga là An Bình, Thạnh Xuân, Tân Chánh Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Kiên, Long Định, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Kim, Long Trung, Cái Bè, Vĩnh Long, Bình Minh, Cái Răng và 2 trạm khách là Vĩnh Phú, Bà Điểm.
Với quy mô xây dựng như trên, phạm vi hành lang an toàn, chỉ giới xây dựng đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt là 797,82 ha. Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long là 157.254 tỷ đồng (khái toán), trong đó chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị trước thuế là 79.268 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 48.743 tỷ đồng...
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, ngoài việc phục vụ công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt nhằm ổn định quy hoạch sử dụng đất và quản lý quỹ đất; Quy hoạch này là còn là cơ sở để xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng công trình đường sắt, trong đó có tuyến TP.HCM - Cần Thơ.
Được biết, niên hạn nghiên cứu của Quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Anh Minh