Tạo cực tăng trưởng trong vùng
Thời gian qua, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, trung tâm kinh tế - thương mại - khoa học công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới vào năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế, chính sách cho những khu vực đặc biệt, có tiềm năng và thế mạnh riêng như đảo Phú Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong các hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù những năm gần đây, Phú Quốc có nhiều lĩnh vực tăng trưởng nóng, song vẫn còn kém bền vững do chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Để đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra theo Quyết định 178 (năm 2004) về định hướng phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, nhất là tạo cực tăng trưởng trong vùng, Phú Quốc cần sớm có mô hình chính quyền và các chính sách đặc thù.
Mô hình đặc khu sẽ giải quyết căn bản những khó khăn mà cơ chế hiện nay đang bó buộc Phú Quốc trong “chiếc áo” quá chật |
Thời gian qua, với quyết tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị và sự triển khai quyết liệt của Chính phủ, cùng các bộ, ngành trung ương và địa phương, Đề án xây dựng mô hình Đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc cơ bản đã hoàn thành. Tổ liên ngành trung ương xây dựng Đề án đã trình các cấp và được Bộ chính trị thông qua, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, việc xây dựng mô hình đặc khu Phú Quốc không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ chế chính sách khác đất liền hay các địa phương trong nước, mà là vấn đề về mô hình quản lý của chính quyền đặc khu phải tự chủ và xây dựng hệ thống chính sách đặc thù.
“Chẳng hạn, du khách đến Phú Quốc được miễn thị thực 30 ngày; các chính sách thuế và hải quan, chính sách về đất đai, quy hoạch, an ninh trật tự, nguồn nhân lực... phải có cơ chế đặc thù so với đất liền để cạnh tranh thu hút đầu tư”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Tại các diễn đàn, nhiều chuyên gia có chung nhận định, chính quyền đặc khu phải xác lập quan hệ rạch ròi với chính quyền trung ương. Trong đó, chính quyền đặc khu phải toàn quyền quyết định về kinh tế - xã hội, trừ vấn đề về ngoại giao và quốc phòng. Đặc khu trưởng hoạt động theo cơ chế ủy quyền, vẫn trực thuộc sự lãnh đạo của UBND tỉnh hoặc của Chính phủ. Một số chức năng, quyền hạn lẽ ra thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, bộ trưởng, thậm chí thuộc thẩm quyền của Thủ tướng…, thì Chính phủ, Bộ Chính trị ủy quyền cho đặc khu trưởng.
Mạnh dạn "thay áo mới"
Tại Hội thảo Mô hình Đặc khu hành chính - kinh tế ở tỉnh Quảng Ninh vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, mô hình đặc khu hành chính - kinh tế đã phát triển hơn 3 thập kỷ qua trên thế giới. Nhưng đối với Việt Nam, mô hình này vẫn còn mới mẻ, nên không tránh khỏi khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Mô hình đặc khu hành chính - kinh tế cũng là nơi thử nghiệm các thể chế và chính sách mới trước khi áp dụng trong cả nước.
Theo nhiều chuyên gia, Phú Quốc cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực. Điều dễ thấy là trước mắt, mô hình đặc khu sẽ giải quyết căn bản những khó khăn mà cơ chế hiện nay đang bó buộc Phú Quốc trong “chiếc áo” quá chật.
Hiện nay, chính quyền nông thôn cấp huyện Phú Quốc đang phải tham gia quản lý hàng trăm ngàn héc-ta đất du lịch và thương mại dịch vụ, trên 200 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD. Vì thế, thời gian qua, một số sở, ngành cấp tỉnh đã tăng cường cán bộ ra đảo Phú Quốc, nhưng nhiều lĩnh vực vẫn còn bị quá tải.
Với điều kiện biển đảo du lịch rất đặc biệt của Phú Quốc, thì việc ưu tiên lĩnh vực đầu tư; khuyến khích phát triển ngành nghề cùng với thể chế hành chính tinh gọn và hiệu quả theo mô hình đặc khu; nâng cao thẩm quyền của người đứng đầu; có khung pháp lý đủ mạnh và ổn định; có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên phát triển đảo Phú Quốc trong thời gian tới... chắc chắn sẽ tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ cho đảo Ngọc trong khu vực Đông Nam Á.