Doanh nghiệp tư nhân rất cần chính sách khơi thông nguồn lực để phát triển |
Vai trò khu vực tư nhân ngày càng được khẳng định
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, qua gần 35 năm đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...
Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện ở các điểm:
Một là, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế.
Hai là, năng lực khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu.
Ba là, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp.
Bốn là, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý về đề án này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự đồng tình với những nhận định trên: “Tôi rất mừng là Đề án đã nhìn nhận khá rõ thực trạng. Hiện nay hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và không chịu lớn, thiếu tính liên kết”.
Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong những năm qua, Nhà nước đang từng bước thu hẹp vai trò, phạm vi hoạt động với tư cách là nhà đầu tư, mở rộng cơ hội đầu tư cho các thành phần kinh tế như chính sách xã hội hóa trong giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; chủ trương xã hội hóa dịch vụ hành chính công…
Song, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về khách quan, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều vướng mắc: “Tạm gọi là rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông, chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân, mặc dù nguồn lực này rất lớn”. Làm rõ hơn, Bộ trưởng cho biết, khả năng tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng của các doanh nghiệp nhỏ rất hạn chế, hơn nữa là bản thân họ chưa sẵn sàng.
Thay đổi tư duy để giải phóng nguồn lực
“Làm thế nào khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực; làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhà đầu tư yên tâm đầu tư thay vì mua vàng, USD?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi và nhấn mạnh, ông “rất sốt ruột”. Theo Bộ trưởng, phải thay đổi từ tư duy, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
Để khắc phục được tình trạng trên, đại diện CIEM cho rằng, cần xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp.
Về phân bổ nguồn lực, cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.
“Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất.
Cùng với đó, ông Hiếu cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân, xác lập vị thế cũng như tiềm lực, khả năng đóng góp vào nền kinh tế trong hiện tại cũng như tương lai.
Nhiều ý kiến thống nhất rằng, không chỉ cần thay đổi tư duy, mà còn cần cách thức để nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là tập trung hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, thực thi là vấn đề rất quan trọng; trong đó, đề cao yếu tố công bằng, minh bạch, thực hiện đúng tinh thần và quy định pháp luật.
Dẫn chứng câu chuyện thành công của Malaysia, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, cần phải có nhóm giải pháp nâng cao năng lực thực thi của bộ máy công. Malaysia đã xây dựng một cơ quan đặc biệt để kiểm soát các mục tiêu cải cách lớn của quốc gia, trong đó tập hợp những người giỏi nhất với cơ chế tuyển dụng cạnh tranh, cơ chế lương đặc biệt.
“Sau 10 năm, tất cả nội dung họ đặt trong chương trình chuyển đổi quốc gia đã đạt bước tiến rất xa. Đó cũng là điều chúng tôi vô cùng kỳ vọng vào vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, bà Thủy nói.