Đầu tư Phát triển bền vững
Thay đổi tư duy về tiêu dùng nhựa: Cần triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống bán lẻ
Như Loan - 22/04/2021 16:19
Liên minh các nhà bán lẻ dự kiến sẽ chính thức được thành lập trong thời gian tới trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa biển”.

Liên minh sẽ được thành lập với sự tham gia của các thành viên là các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, với mong muốn cùng xây dựng chiến dịch sản xuất và tiêu dùng túi ni-lông một cách bền vững.

Kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp bán lẻ

Sáng kiến xây dựng Liên minh các nhà bán lẻ thuộc Dự án thí điểm do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) và Sở Công thương Hà Nội phối hợp thực hiện, dưới sự giám sát của Bộ Công thương, trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức tài trợ và do Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France triển khai tại Việt Nam cho đến năm 2022.

Tại cuộc họp tham vấn tổ chức ngày 31/3/2021, đại diện các chuỗi siêu thị và nhà bán lẻ lớn nhất cả nước đã cùng nhau thảo luận Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Liên minh các nhà bán lẻ, cũng như những khó khăn, thách thức khi triển khai các chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni-lông dùng một lần tại các siêu thị.

Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, việc ký kết Biên bản ghi nhớ chính là động thái thể hiện sự cam kết cùng hành động chống lại túi ni-lông sử dụng một lần tại Việt Nam, tập hợp các siêu thị và nhà bán lẻ thành một mặt trận thống nhất.

Bà Kim Thị Thúy Ngọc, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (ISPONRE) cho biết, chương trình thí điểm dự kiến kéo dài 01 năm với các mục tiêu như thay thế túi ni-lông bằng túi thân thiện với môi trường tại các siêu thị tham gia Liên minh ở Hà Nội; thúc đẩy hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Với các mục tiêu trên, ISPONRE mong muốn tất cả các nhà bán lẻ tham gia Liên minh có thể đồng loạt triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá và tích điểm thưởng,… khi khách hàng không sử dụng túi ni-lông.

Bà Fanny Quertamp, Cố vấn cao cấp tại Việt Nam, Expertise France cho biết: “Hiện nay, nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu như Đức, Pháp... đã triển khai lệnh cấm sử dụng túi ni-lông dùng một lần trong các chuỗi bán lẻ. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng tiến hành kết nối các siêu thị chung tay giảm thiểu nhựa dùng một lần”.

Bà cũng cho biết, thông qua dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa biển” tại Việt Nam, Liên minh châu Âu sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực chung của thế giới về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Hiện nay, mặc dù các nhà bán lẻ đều có sáng kiến ​​riêng để giảm thiểu nhựa, nhưng việc triển khai chưa được đồng bộ và dài hạn. Do đó, việc thành lập Liên minh sẽ thu hút các chuỗi siêu thị, cửa hàng cùng nhau hành động nhằm giảm túi ni-lông sử dụng một lần.

Một trong những mục tiêu chính của Liên minh là đề xuất khuyến nghị chính sách ở cấp quốc gia về giảm thiểu sử dụng túi ni-lông dùng một lần. Ngoài ra, Liên minh các nhà bán lẻ sẽ xây dựng và triển khai một số chương trình truyền thông nhằm huy động sự tham gia và khuyến khích tiêu dùng bền vững.

Liệu có khả thi?

Mặc dù không có doanh nghiệp bán lẻ nào băn khoăn về sự cần thiết của Liên minh cũng như tầm quan trọng của việc giảm thiểu nhựa, nhưng làm thế nào để Liên minh hoạt động hiệu quả dường như vẫn là bài toán không dễ. Cũng có ý kiến nhắc đến việc cần có thêm căn cứ pháp lý để thực hiện chương trình này.

Ông Nguyễn Nhơn Quý, Giám đốc truyền thông và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp  AEON Việt Nam cho biết, sáng kiến thu phí túi ni-lông có thể làm giảm sự hài lòng của khách hàng, trừ phi đây là các quy định về bảo vệ môi trường mang tính bắt buộc. Một cuộc khảo sát của AEON gần đây cho thấy, 65% ​​khách hàng không hài lòng khi trả thêm tiền cho những chiếc túi thân thiện với môi trường.

Đề xuất mở rộng phạm vi của Liên minh ra ngoài Hà Nội cũng được nhắc đến do các siêu thị thường có chi nhánh trên toàn quốc. Một mặt, đây là cách mở rộng độ phủ của dự án trên toàn quốc, mặt khác sẽ phù hợp với việc triển khai dự án trên toàn bộ chi nhánh của các chuỗi siêu thị trên cả nước, tránh tình trạng ở khu vực Hà Nội làm một kiểu, ở các địa phương lại theo kiểu khác.

Cũng phải nhắc thêm, Việt Nam đã đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng túi thân thiện với môi trường ở tất cả đơn vị bán lẻ vào năm 2025, tuy nhiên việc triển khai còn chưa thực sự quyết liệt.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE đánh giá việc mở rộng sự tham gia của các nhà bán lẻ trên cả nước vào Liên minh sẽ là cách nâng cao nhận thức hữu hiệu, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu trên.

Tuy vậy, bà Quertamp cho rằng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề môi trường đã vượt ngưỡng mà các siêu thị và ngành công nghiệp có thể chờ đợi chính sách của Chính phủ rồi mới hành động. “Các bên liên quan cần cùng nhau hành động, chủ động đưa ra các khuyến nghị để đóng góp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của quốc gia”, bà Quertamp đề xuất.

Dự án thí điểm Liên minh các nhà bán lẻ

 Dự án thí điểm Liên minh các nhà bán lẻ là một phần của Dự án Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển do EU và Chính phủ Đức tài trợ. Dự án này đang được Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France và Cơ quan hợp tác tác Đức - GIZ triển khai tại Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2022.

Đơn vị thụ hưởng chính của Dự án thí điểm là Bộ Công Thương.

Tại Việt Nam, Dự án Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển do Expertise France phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Dự án nhằm mục đích hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhựa ở Đông Nam Á, nhằm góp phần giảm đáng kể lượng rác thải trên biển.

Tin liên quan
Tin khác