Tại buổi làm việc, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học quốc gia TP. HCM đặc biệt nhấn mạnh đến tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố trong thời gian tới.
Theo ông Quân, trong Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại Thành phố được ổn định mức 21% đến năm 2025. Tuy nhiên, ông Quân đề xuất nâng lên 23% giai đoạn 2023 - 2025 và từ năm 2026 trở đi, tỷ lệ này là 25%. Tỷ lệ 2% tăng thêm dùng để đầu tư cho khoa học công nghệ.
“Khi chúng tôi nghiên cứu chính sách phát triển khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo của Thành phố, thì có thể lấy mô hình Thượng Hải (Trung Quốc) làm so sánh. Chỉ riêng vốn đầu tư cho khoa học - công nghệ của Thượng Hải đã chiếm trên 40% GRDP Thành phố. Muốn đầu tư vào khoa học - công nghệ, trở thành trung tâm tài chính của khu vực, Thành phố cần có nguồn lực đầu tư lâu dài”, ông Quân nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC |
Dẫn lại báo cáo của Sở Khoa học - Công nghệ TP. HCM về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Quân tính toán, trong 10 năm, Thành phố chi 16.000 tỷ đồng cho khoa học - công nghệ, nghĩa là trung bình mỗi năm chỉ có 1.600 tỷ đồng. Đây là con số rất thấp so với GDP của Thành phố, theo ông Quân.
“Nhìn lại 10 năm qua, Thành phố chưa có sản phẩm, công trình khoa học - công nghệ nào xứng tầm, chưa có trung tâm nghiên cứu, chưa có trung tâm đổi mới, sáng tạo mang tầm khu vực. Cho nên, đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách và phần tăng thêm này phải được dùng cho đầu tư hạ tầng, trong đó có khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo”, ông Quân làm rõ ý kiến.
Trong khi đó, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quan điểm: "Thành phố không xin tiền, không xin nguồn lực mà chỉ xin cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển tốt nhất, phát huy được tiềm năng, nguồn lực sẵn có".
Theo ông Trí, Thành phố có nguồn lực, có điều kiện, nhưng phải “xếp hàng” để có nguồn đầu tư từ ngân sách là rất bất cập. Theo ông, biện pháp phù hợp nhất cho vấn đề này là xã hội hóa.
Nhắc đến chính sách kích cầu đầu tư bằng cách hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp mà Thành phố đã từng làm, ông Trí nhìn nhận, chỉ có cách đó mới huy động được nguồn lực lớn cho sự phát triển, chứ xin ngân sách thì khó.
“TP.HCM cần chọn những mục tiêu, sản phẩm phát triển và đề xuất Trung ương cơ chế để phát triển chúng. Không cần xin nhiều, vì mình xin, chỗ khác cũng xin”, ông Trí nói.
Ông cũng cho rằng vấn đề quan trọng là Thành phố là phải có cơ chế chính sách thông thoáng để huy động được nguồn lực này, chứ bây giờ Trung ương có tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại lên 40% cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển của Thành phố.
Ông Trí nhìn nhận, Thành phố đi đầu là tốt, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy nên một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thành phố hiện chưa hiệu quả cao.
Chẳng hạn như Khu công nghiệp Tân Bình vào thời điểm 15 năm trước được xem là lý tưởng, nhưng bây giờ thì không. Hiện công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đa phần là người dân từ các tỉnh khác đến, điều này dẫn đến việc gia tăng dân số cơ học. Trong khi đó, các địa phương lân cận cũng dần hình thành các khu công nghiệp.
Do đó, ông Trí gợi mở việc cần di dời các khu công nghiệp cho địa phương có nhu cầu để giảm tình trạng dân số đông cơ học, giảm tải về giao thông...
“Thành phố cần dám chọn, rà soát lại những khu công nghiệp không hợp lý cho sự phát triển của Thành phố, dám mạnh dạn đền bù, hỗ trợ, chính sách cho doanh nghiệp khi dời đến chỗ khác. Nhưng về mặt chính sách, nên cho TP.HCM quyền”, ông nói.
Nói về mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, ông Lê Minh Trí đánh giá là rất đúng đắn. Vì, một Thành phố lớn như TP.HCM muốn cạnh tranh với khu vực và thế giới nhưng lại không hình thành được trung tâm tài chính là không được, ông Trí làm rõ.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã hình thành 15 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thành hình.