Trên tinh thần ấy, nếu người điều hành sản xuất, kinh doanh cùng cộng sự không quan tâm đến nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến sản phẩm mình làm ra (hoặc kinh doanh) thì doanh nghiệp sẽ khó mà thành công.
Những hoạt động như PR đúng sự thật để quảng bá sản phẩm, đào tạo nâng cao tay nghề công nhân, chung tay cùng cộng đồng trong công tác xã hội - từ thiện, nhất là góp phần xây dựng những công trình phúc lợi... sẽ tăng uy tín doanh nghiệp, khiến hàng hóa của doanh nghiệp được biết đến nhiều hơn.
Có một thời người ta tách văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân ra làm hai. Nhưng thật là khập khiểng, thật khó mà tìm được một ông chủ giỏi giang tươm tất trong một doanh nghiệp có vấn đề. Ngược lại, một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, có uy tín trên thương trường cũng không thể nào chấp nhận một ông chủ, một người điều hành kém cỏi cả về trình độ sản xuất (kinh doanh) lẫn trình độ văn hóa. Cho nên, có thể nói văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân là một, là điều không thể khác.
Hiện nay người ta đề cập đến văn hóa doanh nhân nhiều hơn. Có người còn cho rằng "văn hóa doanh nhân" là thuật ngữ mới. Có thể, "mới" chỉ phần "vỏ” thôi, theo kiểu dân gian nói "bình mới rượu cũ”, thật ra, cái "đạo làm ăn" luôn đi với cái "đạo làm người".
Vì biết làm ăn mà không biết làm người thì ví bằng sản phẩm làm ra, sản phẩm đang kinh doanh không được cộng đồng chấp nhận, có nghĩa là mất thị phần. Ngược lại, nếu biết làm người mà không biết làm ăn thì tiền bạc, tài sản bỏ ra xây dựng doanh nghiệp ví bằng đổ sông đổ biển.
Đề cập đến văn hóa doanh nhân, trong lịch sử doanh thương Việt Nam, không thể không nhắc đến hai ông chủ lớn, đó là Hui Bon Hoa (Chú Hỏa) và Trương Văn Bền.
Chú Hỏa xuất thân là một người buôn bán ve chai, nhưng qua bao năm lăn lộn trên thương trường với sự chịu thương chịu khó, ông đã trở thành một đại thương gia trong tứ đại hào phú: nhất Sỹ (Lê Phát Đạt), nhì Phương (Đỗ Hữu Phương), tam Xường (Lý Tường Quan), tứ Hỏa (Hui Bon Hoa) của đất Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thế kỷ XX.
Không tận hưởng cuộc sống giàu có một mình, với phương châm "thu nhập từ cộng đồng phải dùng để phục vụ cộng đồng", Chú Hỏa đã xây nhiều công trình phúc lợi, như nhà cho người nghèo thuê với giá rẻ, nhiều bệnh viện phục vụ người nghèo (còn hoạt động đến ngày nay với các tên gọi Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn...).
Xà bông thơm Cô Ba, thương hiệu nổi tiếng một thời của gia tộc "Trương Văn Bền và các con", cũng được hiểu là "Trương Văn Bền - người vinh danh thương hiệu xà bông Việt Nam". Hồi ký của ông Bền cho biết, thương hiệu "Cô Ba" được ông chọn đặt tên với lòng ái quốc trong tình hình hàng Việt luôn bị hàng Pháp lấn át, ông muốn làm nên "một cú hích" về hàng Việt Nam để kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Với chất lượng cao cùng cách quảng cáo bằng những bài ca cải lương và thơ lục bát, chỉ chào hàng một thời gian ngắn, xà bông Cô Ba đã đánh bạt hàng loạt thương hiệu xà bông Pháp thịnh hành lúc bấy giờ. Trong Thế chiến thứ hai, khi các thương hiệu bị đình đốn, xà bông Cô Ba của "Trương Văn Bền và các con" vẫn đều đều mỗi tháng xuất xưởng 600 tấn. Lòng ái quốc của doanh nhân Trương Văn Bền trong việc xây dựng một thương hiệu Việt để đời chính là nhờ cái gốc của văn hóa doanh nhân.
Văn hóa doanh nhân quyết định sự thành bại của doanh nghiệp thông qua "hàn thử biểu" cộng đồng. Gần đây, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vô trách nhiệm với cộng đồng khi sản xuất, kinh doanh.
Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam xả nước thải thẳng ra sông Thị Vải, làm chết cả một dòng sông, làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngàn hộ dân mưu sinh dọc theo sông. Rồi phải ra tòa, rồi phải bồi thường, nhưng cái mất lớn nhất của Vedan là lòng tin của người tiêu dùng.
Tiếp theo là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) xả chất độc hại ra biển làm điêu đứng đời sống ngư dân suốt một dải dài từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế.
Nếu các ông chủ doanh nghiệp nêu trên biết nghĩ đến lợi ích cộng đồng trên vùng đất mình đầu tư sản xuất thì đã không làm ô nhiễm môi trường trầm trọng như thế. Chỉ muốn được phần doanh nghiệp mình mà không nghĩ đến an nguy của người dân thì dù sản xuất, kinh doanh có giỏi mấy cũng không thể có văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân.
Doanh nhân lèo lái doanh nghiệp thành công một khi hội đủ những yêu cầu của cả hai đạo - đạo làm người và đạo làm ăn thì đủ năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh, có khả năng kết nối cộng đồng bằng những công việc cụ thể như tuyển dụng, đào tạo lao động tại chỗ, bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ (nếu có) để hỗ trợ người địa phương...
Điều quan trọng không thể thiếu là thông qua doanh nghiệp, doanh nhân cần thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với cộng đồng, như hỗ trợ xây dựng các công trình công ích, cùng người dân hướng đến tiêu chí sống và làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật.