Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn I dự kiến hoàn thành vào năm 2027. |
Hai nội dung điều chỉnh
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) vừa có Tờ trình số 3209/TTR-KHTH đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn I.
Có hai nội dung quan trọng được PMU Mỹ Thuận kiến nghị điều chỉnh so với Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Trong đó, nội dung đề xuất điều chỉnh đầu tiên là tổng mức đầu tư Dự án được đề xuất điều chỉnh lên 7.822 tỷ đồng, tăng khoảng 1.936 tỷ đồng; đề xuất điều chỉnh thứ hai liên quan đến nguồn vốn thực hiện Dự án.
Tại Quyết định số 769/QĐ-TTg, Dự án được bố trí từ vốn ngân sách nhà nước gồm 3 nguồn: vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT (2.282,8 tỷ đồng); vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (1.204 tỷ đồng); vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 (2.399,2 tỷ đồng).
Tại Tờ trình số 3209/TTR-KHTH, nguồn vốn thực hiện Dự án tuy vẫn được huy động từ ngân sách nhà nước, nhưng đã có một số thay đổi về quy mô và cơ cấu đối với từng dự án thành phần.
Cụ thể, đối với Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần được bố trí 2.155,8 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương hỗ trợ 1.410,8 tỷ đồng; vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là 745 tỷ đồng. Vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 cho Dự án là khoảng 1.635,2 tỷ đồng.
Đối với Dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản, trong giai đoạn 2021 - 2025, cần được bố trí 2.941 tỷ đồng, trong đó số vốn đã xác định được nguồn vốn là 1.331 tỷ đồng; số vốn đang đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 1.610 tỷ đồng. Vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 cho Dự án khoảng 1.090 tỷ đồng.
Được biết, Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn I có mục tiêu xây dựng 27,43 km đường cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào năm 2027. Tuy nhiên, sau 15 tháng kể từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án mới tiến hành khởi công được Dự án thành phần 1. Đối với Dự án thành phần 2, do chi phí phát sinh rất lớn, vượt chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, nên phải thực hiện quy trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Suất đầu tư tăng cao
Đại diện PMU Mỹ Thuận cho biết, có 2 hạng mục gây phát sinh chi phí nhiều nhất tại Dự án thành phần 2 là chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 869 tỷ đồng) và chi phí xây dựng, thiết bị (717 tỷ đồng).
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, chi phí giải phóng mặt bằng tăng do ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, số liệu giải phóng mặt bằng dự kiến trên bản đồ. Đến bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khối lượng này được tính chính xác theo hồ sơ khảo sát, thiết kế và rà soát diện tích từng loại đất, cây cối, vật kiến trúc.
Bên cạnh đó, ở bước nghiên cứu khả thi, đơn giá bồi thường được cập nhật theo đơn giá thời điểm thực tế và khung chính sách bồi thường được Thủ tướng phê duyệt trong năm 202, nên tăng so với bước lập báo cáo tiền khả thi.
Về quy mô xây dựng, tuy vẫn giữ quy mô đã được duyệt trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhưng do tăng khoảng 419 m chiều dài cầu và bổ sung 6 km đường gom, đã làm tăng 135,30 tỷ đồng so với chi phí được duyệt..
Về đơn giá xây dựng, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (đại diện chủ đầu tư), suất đầu tư hạng mục nền đường bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khoảng 75,39 tỷ đồng/km (bao gồm cả xử lý nền đất yếu), thấp hơn nhiều so với thực tế tính toán bước Báo cáo nghiên cứu khả thi là 113,54 tỷ đồng/km.
“Suất đầu tư tăng chủ yếu do chiều sâu tầng đất yếu lớn (trung bình khoảng 30 m, có một số đoạn chiều sâu đất yếu lên đến 40 m) và gần như suốt tuyến (9,80/10,43 km), đồng thời giá vật liệu tăng do nguồn cung của các vật liệu đáp ứng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đang khan hiếm”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết.
Theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, UBND cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản có trách nhiệm bố trí vốn đầu tư (kể cả trong trường hợp phát sinh tăng tổng mức đầu tư) để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Tuy nhiên, việc bố trí thêm gần 1.800 tỷ đồng cho Dự án thành phần 2 vượt khả năng của UBND tỉnh Tiền Giang. Đó là chưa kể, HĐND tỉnh Tiền Giang cũng không thể thông qua nghị quyết để bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng từ ngân sách tỉnh cho3,81 km Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, vì Luật Ngân sách không cho phép.
“Vì vậy, nếu không được bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 202,2 thì Dự án thành phần 2 sẽ rất bí bách, khó có thể triển khai theo đúng kế hoạch ban đầu”, đại diện Bộ GTVT cho biết.