4 kênh truyền hình trả tiền này được kỳ vọng sẽ phủ sóng rộng trong thời gian ngắn tại thị trường Việt Nam. |
4 kênh này trước đó đã được phủ sóng tại thị trường miền Nam thông qua một số kênh truyền hình như My TV, SCTV, HTV, K+….
Với việc ra mắt tại thị trường miền Bắc, bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty Giải trí Thảo Lê, đơn vị phân phối 4 kênh trên kỳ vọng chỉ trong vòng 8 tháng - 1 năm nữa 4 kênh này sẽ là kênh truyền hình phổ biến trên thị trường Việt Nam.
Lý giải kỳ vọng này, bà Thảo cho biết: “Với dân số 90 triệu dân và nhu cầu xem phim đa dạng, trình độ và sở thích khác nhau đặc biệt nội dung của 4 kênh phù hợp đa số nhu cầu của từng thành viên trong gia đình như phụ nữ thích nấu ăn, phong cách sống, trang trí nhà cửa, nam giới thích xem những môn thể thao lành mạnh và trẻ em thích các kênh giải trí phù hợp lứa tuổi nhưng lồng ghép tính giáo dục cao khiến tôi tự tin trong việc sẽ chiếm hữu được phần đông khán giả. Đây là xu hướng không thể đi ngược lại được.”
Khi được hỏi về chính sách giá liệu có phù hợp với người xem tại Việt Nam không, bà Thảo cho biết, Công ty Thảo Lê chỉ là đại diện phân phối các kênh truyền hình này tại thị trường Việt Nam và là nhà cung cấp nội dung nên không can dự về chính sách giá thế nào chỉ quan tâm những nội dung phù hợp nhằm thu hút khán giả yêu thích.
Bà Thảo cũng cho biết, giá dịch vụ sẽ do các đơn vị kinh doanh dịch vụ dựa trên đối tượng cụ thể mà họ đang phục vụ ví như AVG hay MyTV với phần đông khán giả nông thôn sẽ có chính sách giá mềm dẻo thì K+ với đối tượng hướng vào tầng lớp trung lưu chắc chắn giá sẽ cao hơn.
Nội dung các chương trình này được biết hầu hết quay tại nước ngoài phát sóng trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đơn vị phân phối cũng sẽ Việt hóa một số chương trình như đưa Yan Can Cook (Martin Yan), đầu bếp nổi tiếng, "chủ xị" cho cuộc thi những nhà hàng Trung Hoa nổi tiếng nhất ở Mỹ ra Hà Nội nấu bún chả hay làm bánh xèo tại miền Nam hoặc chuyển đổi một số chương trình giáo dục cho trẻ em nhằm lôi kéo khán giả Việt.
Mặc dù nhận định rằng khán giả xem truyền hình Hà Nội cần có quá trình lâu dài mới có thể thuyết phục nhưng bà Thảo vẫn tự tin trong thời gian ngắn (trong vòng 1 năm), 4 kênh truyền hình này sẽ trở lên phổ biến cả trong nam lẫn ngoài bắc. Chiến lược marketing cụ thể và những thông tin liên quan tới việc hợp tác thương mại cũng không được bà Thảo tiết lộ.
Là một trong những đại diện sẽ phát sóng các kênh truyền hình này tại miền Bắc, bà Phạm Thị Thúy Hải, Giám đốc kinh doanh Hanoi Cab cho biết, với 4 kênh truyền hình có tính giải trí hấp dẫn với khán giả cùng những mục tiêu rõ nét, 4 kênh này xuất hiện trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam được xem là khá mới lạ và khác biệt với những kênh truyền hình truyền thống.
“Do đó, tôi đặt khá nhiều kỳ vọng vào việc những kênh này sẽ mang tới cho khán giả Việt Nam những món ăn mới lạ nhưng việc thay đổi khẩu vị và mới lạ tới mức nào lại phụ thuộc khá lớn vào nhà sản xuất những kênh này.”, bà Hải nói.
Asian food channel là kênh truyền hình ẩm thực tại khu vực châu Á thuộc tập đoàn Scripps Networks Interactive (Asia) Pte.Ltd…. ra mắt từ năm 2005 hiện có mặt trên 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Diva là kênh truyền hình chuyên cho phụ nữ châu Á thuộc sở hữu của Sparowwhawk International Channels Limited với hơn 8,5 triệu thuê bao hộ gia đình trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Da Vinci Learning là kênh truyền hình thuộc Da Vinci Media GMbH, DVL mở ra kho tàng giáo dục cho cả gia đình bằng cách cung cấp một môi trường giáo dục với nhiều nội dung từ lịch sử, xã hội tới vật lý và nhiều kiến thức, kỹ năng cho thiếu nhi. Kênh này đã phủ sóng trên 100 quốc gia trên toàn thế giới với 19 triệu thuê bao.
Outdoor channel HD là kênh tổng hợp thuộc Outdoor Entertainment Network Pte.Ltd., mang đến các môn thể thao ngoài trời truyền thống và hiện đại như câu cá, đua xe, bắn súng, săn bắt, các môn thể thao dưới nước….Outdoor channel hiện có mặt trên toàn cầu với hơn 40 triệu thuê bao.