Cụ thể, tại Quyết định số 834/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Tại Quyết định số 835/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Tại Quyết định số 838/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Tại Quyết định số 839/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Tại Quyết định số 840/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh: Quảng Trị, Hưng Yên, Thanh Hóa và Hà Tĩnh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định và chỉ đạo 5 huyện được công nhận tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Sức sống mới trên huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. |
Được biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Đến nay, huyện Văn Giang đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; có 7 xã đã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; 29 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cơ bản hoàn thiện 9 tiêu chí nông thôn mới với 36 chỉ tiêu cấp huyện, đáp ứng các yêu cầu quy định về huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. 4 xã: Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 26,6% số xã nông thôn mới của huyện, vượt so với yêu cầu có tối thiểu 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới. 3 thị trấn gồm: Hồ Xá, Cửa Tùng, Bến Quan đạt chuẩn đô thị văn minh.
Huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị xác định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vì vậy huyện luôn quan tâm đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực; phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực.
Nhờ có chủ trương đúng và triển khai thực hiện tốt nên kinh tế của huyện đã đạt được mức tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,5%/năm. Thu nhập đầu người toàn huyện năm 2011 chỉ mới 10,2 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2023 lên đến 68,44 triệu đồng/người/năm. Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới đạt hơn 1.608 tỷ đồng. Kết quả có 17/17 xã đạt chuẩn, trong đó 2 xã là nông thôn mới nâng cao.
Đối với huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội; văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường chuyển biến rõ nét; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 49,09 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,44%, có 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP…
Tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới mà huyện còn tạo ra con người mới, cách thức sản xuất mới và lối sống mới. Qua thực tiễn xây dựng nông thôn mới, những cán bộ, lãnh đạo, đảng viên cũng sâu sát thực tế, trưởng thành, gắn bó với dân và biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn. Những cách làm sáng tạo hợp lòng dân ngày càng nhân lên, đang tiếp thêm niềm tin để Hà Trung phát triển toàn diện xứng tầm huyện nông thôn mới.