Dự báo sắp tới sẽ có nguồn vốn cực kỳ lớn vào Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp. Trong ảnh: Nhà máy của Ford Việt Nam |
Dòng vốn lớn từ Hoa Kỳ sẽ đổ vào Việt Nam
“Nguồn vốn của Hoa Kỳ rất lớn và đang tìm cơ hội tại các thị trường để đầu tư” là chia sẻ của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC - HoSE) với các nhà đầu tư tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề “Theo dấu người khổng lồ” do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua.
Là doanh nghiệp tham gia tháp tùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ trung tuần tháng 5 vừa qua, Chủ tịch KBC cho biết, các quỹ đầu tư đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. “Rất nhiều quỹ đầu tư lớn xin gặp Thủ tướng để tham vấn chính sách và thể hiện sự quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Tâm cho hay.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, dòng vốn gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam tương đối nhỏ. Hai năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh, hầu như các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và đây là xu hướng chung của các thị trường trong khu vực. Trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay lại, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị đầu tư góp vốn của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam khoảng 22 triệu USD. “Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư Hoa Kỳ như Warburg Pincus và đạt được thành công. Đây sẽ là tiền đề để các nhà đầu tư khác vào Việt Nam”, bà Hiền chia sẻ.
Đặc biệt, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán New York ký kết hợp tác về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán cũng là thông tin tích cực để các chuyên gia kỳ vọng vào dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ sẽ tìm đến thị trường Việt Nam.
Theo ông Đặng Thành Tâm, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tăng trưởng GDP tốt, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng dần bài bản hơn. Khi tiếp xúc với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cam kết rõ ràng rằng, thị trường Việt Nam sẽ tăng cường minh bạch hơn nữa và có sự chia sẻ của Chính phủ với những khó khăn của doanh nghiệp hay quỹ khi đầu tư vào Việt Nam.
Một điểm nữa được Chủ tịch KBC chỉ ra là hệ số tín nhiệm của Việt Nam với Hoa Kỳ đã cải thiện đáng kể. Do đó, sắp tới sẽ có nguồn vốn lớn vào Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp. Ông kỳ vọng 3 năm tới, dòng vốn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ tăng thêm ít nhất 10 tỷ USD.
Những ngành nào sẽ hưởng lợi?
Xét về từng ngành nghề, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, máy móc, điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, giày da, đồ gỗ xuất khẩu sẽ được hưởng lợi khi thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ có sự tăng trưởng. Từ góc độ thị trường chứng khoán, bà Hiền dự báo 4 nhóm ngành nhận được nhiều quan tâm.
Thứ nhất là dệt may. Trong quý I/2022, dệt may đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cụ thể là tăng trưởng 25%. Theo một số doanh nghiệp dệt may mà VNDirect tiếp xúc, hầu hết họ đã nhận được đầy đủ đơn hàng cho việc sản xuất từ nay đến cuối năm sang Hoa Kỳ.
Thứ hai là sản xuất đồ gỗ. Hiện nay, Hoa Kỳ chiếm hơn 50% tỷ trọng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Trong quý I/2022, xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ cùng tăng 5%.
Thứ ba là thủy sản, chủ yếu là cá tra. VNDirect nhận thấy, có một số dịch chuyển giữa việc xuất khẩu cá thịt trắng từ Nga. Hiện nay, nhu cầu sử dụng cá thịt trắng sẽ chuyển sang nhu cầu dùng cá tra và cá ba sa của Việt Nam.
Thứ tư là bất động sản khu công nghiệp khi dòng vốn FDI của Hoa Kỳ dịch chuyển sang Việt Nam. Minh chứng cho nhận định của bà Hiền, ông Tâm cho biết, nhân chuyến công du của Thủ tướng tại Hoa Kỳ, KBC đã ký được 8 tỷ USD, gần bằng tổng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay.