Theo VSA, ngành thép Việt Nam đang phải chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh |
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tổng năng lực sản xuất ngành thép cả nước hiện đã lên đến 22-23 triệu tấn/năm, gồm thép xây dựng (11 triệu tấn); thép ống hàn (2,1 triệu tấn); tôn mạ phủ màu các loại (trên 4 triệu tấn); thép tấm cuộn cán nguội (4,8 triệu tấn).
Trong khi đó, năm 2015, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước chỉ tăng từ 11-12%, cụ thể: thép xây dựng khoảng hơn 6 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2014; thép ống hàn đạt 1,36 triệu tấn, tôn mạ phủ màu các loại 3,25 triệu tấn, thép tấm cuộn cán nguội đạt 3 triệu tấn...
Khả năng hấp thụ các sản phẩm thép có hạn, trong khi hầu hết các chủng loại thép đều có công suất vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, đang khiến cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp trong ngành thêm gay gắt, chứ chưa nói đến chuyện “chiến đấu” với thép nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, ngành thép đang chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh. Sản xuất thép phát triển quá nhanh khiến cung vượt cầu, trong khi nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ khiến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh. Ngay cả Hòa Phát, doanh nghiệp đang dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ thép trong 9 tháng của năm 2015 (hơn 1 triệu tấn), cũng chỉ có quy mô chưa đầy 2 triệu tấn/năm. Theo VSA, để cạnh tranh được, ngành thép cần có những doanh nghiệp quy mô từ 4-5 triệu tấn/năm trở lên.
Năng lực cạnh tranh ngành thép chưa cao còn là do không ít nhà máy vẫn dùng công nghệ lạc hậu, chi phí sản xuất lớn, nên giá thành không đủ sức cạnh tranh. Sắp tới, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đồng loạt có hiệu lực, sẽ khó tránh khỏi tình trạng một số doanh nghiệp thép buộc phải đóng cửa.
Trước áp lực cung đã vượt xa cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt, mới đây VSA đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan thu hồi 11 dự án thép chưa triển khai, cùng 16 dự án thép khác không khả thi hoặc không tuân thủ về công nghệ sản xuất.
Ngoài việc cung vượt cầu, ngành thép còn bị cạnh tranh gay gắt bởi thép nhập khẩu. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết tháng 9/2015, lượng sắt thép cả nước nhập về đã vượt 11 triệu tấn. Đáng lưu ý, sắt thép các loại nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh với trên 6 triệu tấn, giá lại rất rẻ, đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân giảm tới 22,7% so với năm ngoái.
Theo VSA, thép Trung Quốc rẻ vì sản lượng của họ lớn, xuất khẩu hàng năm lên tới trên 80 triệu tấn. Thời gian qua, lượng thép nôïi địa dư thừa nhiều, nên Trung Quốc tìm mọi cách để đẩy mạnh xuất khẩu, kể cả phá giá, cộng với việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ, khiến giá thép xuất khẩu của Trung Quốc rất cạnh tranh.
Sắt thép giá rẻ của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới thị trường trong nước, khiến hàng loạt mặt hàng thép của Việt Nam phải giảm giá theo. Đơn cử, giá bình quân của thép cuộn cán nóng (hot-rolled coil) dùng trong xây dựng và sản xuất xe hơi đã giảm hơn 30% trong quý II/2015.
Một mối lo khác với ngành thép. Đó là sắp tới, khi một loạt FTA, điển hình là FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) có hiệu lực, sẽ khiến thép ngoại tràn vào nước ta nhiều hơn nữa.
VSA cho hay, trong số các FTA Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, thì FTA với EEU là mối lo ngại lớn nhất đối với ngành thép. Trong số 5 thị trường thuộc EEU, Nga là nước có sản lượng thép trên 70 triệu tấn, với lợi thế về chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, công nghệ cao, chất lượng tốt, bởi thế khi EEU có hiệu lực, các dòng thuế nhập khẩu giảm về 0%, chỉ cần 10% sản lượng thép từ Nga đổ vào thị trường nội địa cũng đủ làm doanh nghiệp thép Việt Nam liêu xiêu.