Thời sự
Thí điểm mua bảo hiểm cho ngư dân
Mạnh Bôn - 04/06/2014 08:48
Chắc chắn, Quốc hội sẽ đồng ý với đề xuất dành một phần trong số 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ của Chính phủ. Nhưng về lâu dài, cần có chính sách thí điểm mua bảo hiểm cho ngư dân.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
BIDV tài trợ 150 tỷ đồng đóng tàu công suất lớn
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: 10 nghìn tỷ hỗ trợ ngư dân đã sẵn sàng
Bị tàu Trung Quốc đâm ở Hoàng Sa, 10 ngư dân thoát chết trở về
Bình Định ra mắt Quỹ hỗ trợ ngư dân
Philippines vẫn phạt tù 9 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm rùa
Tàu Trung Quốc lại tấn công, cướp tài sản của ngư dân Việt

“Giải pháp này chỉ là tình thế cấp bách, còn về lâu dài tại sao không thực hiện nhiều chính sách khác, trong đó có việc mua bảo hiểm cho ngư dân” là vấn đề được phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đặt ra với ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

   
  Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội  

Quốc hội chắc chắn sẽ đồng ý dành 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, bổ sung kinh phí đóng tàu cho lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển. Ông có nghĩ rằng, số tiền này quá ít so với yêu cầu?

Tôi muốn nói lại cho rõ, số tiền này là phần cân đối ngân sách năm 2013.

Cụ thể, theo tính toán ban đầu, ngân sách nhà nước năm 2013 hụt thu 63.630 tỷ đồng, nhưng cuối cùng vượt thu 6.000 tỷ đồng, mặc dù vậy, Quốc hội chắc vẫn đồng ý nâng mức bội chi năm 2013 từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP với số tiền tuyệt đối là 195.500 tỷ đồng. Một phần trong số tiền chi vượt dự toán được sử dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ.

Đầu tư để bảo vệ chủ quyền quốc gia cần số tiền rất lớn, phải thực hiện liên tục trong nhiều năm liền. Trong điều kiện thu ngân sách năm 2013 và 2014 gặp khó khăn, nợ công tiếp tục gia tăng, việc dành ra 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, đóng tàu cho lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển là một nỗ lực rất lớn.

Vẫn biết thế, nhưng liệu có thể cắt giảm một số khoản chi chưa thực sự bức thiết để tăng nguồn chi cho công tác bảo vệ biển đảo không?

Cắt giảm chi đầu tư phải cân nhắc, tính toán hết sức thận trọng, bởi trong những năm vừa qua, Chính phủ đã rà soát, cắt giảm hàng loạt công trình, dự án đầu tư công chưa thực sự bức thiết theo đúng tinh thần của Chỉ thị 1792/CT-TTg. Các công trình đang triển khai đều hết sức cần thiết,  nếu cắt giảm tiếp sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí và giảm hiệu quả đầu tư công.

Hơn nữa, nếu tăng khối lượng đầu tư, cũng không thể giải ngân được ngay, vì muốn giải ngân được, phải có dự án cụ thể, phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công sắp được Quốc hội thông qua.

Ngư dân ra biển hiện gặp rất nhiều nguy hiểm, nhiều khi bị tàu nước ngoài thu hết ngư lưới cụ, thiết bị máy móc, sản phẩm đánh bắt, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm, thậm chí còn bị phá hỏng tàu thuyền. Tại sao không tính đến phương án mua bảo hiểm cho ngư dân?

Bình thường ngư dân ra biển đã gặp rất nhiều nguy hiểm. Trong những ngày Biển Đông “dậy sóng”, sự nguy hiểm còn tăng gấp nhiều lần. Trong tình trạng như vậy, mà yêu cầu mua bảo hiểm, thì sẽ gây khó khăn về tài chính cho ngư dân.

Thưa ông, có nên coi việc Nhà nước bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho ngư dân tương tự việc Nhà nước đang thí điểm mua bảo hiểm nông nghiệp cho cây lúa và một số nông sản khác?

Đây là ý tưởng rất hay. Tôi sẽ lưu ý và đề xuất Nhà nước bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho ngư dân tương tự bảo hiểm đối với cây lúa đang được thí điểm. Có thể, Nhà nước sẽ bỏ ra 40-80% số tiền mua bảo hiểm, số tiền còn lại là do ngư dân bỏ ra. Chính sách này có lẽ rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay, vì vừa giúp ngư dân yên tâm bám biển do giảm được rủi ro, vừa giảm được thiệt hại cho xã hội nếu không may có rủi ro xảy ra.

Ngân sách năm 2014 đã được cân đối, có lẽ phải chờ đến năm 2015, ý tưởng mua bảo hiểm cho ngư dân mới thực hiện được, thưa ông?

Ngân sách đã được cân đối, nhưng vẫn còn nhiều nguồn, như khoản dự phòng ngân sách trung ương trên 10.000 tỷ đồng mới sử dụng hơn 3.000 tỷ đồng để xử lý đối với thiên tai bất khả kháng; dự phòng ngân sách địa phương, tùy thuộc vào từng địa phương, nhưng chắc chắn con số này cũng còn rất lớn; quỹ dự trữ tài chính và nhiều loại quỹ ngoài ngân sách khác.

Trong trường hợp cấp bách, mọi nguồn lực của Nhà nước đều phải được sử dụng, vì thế, theo tôi không phải đợi đến sang năm, mà ngay từ hôm nay, đã có thể sử dụng các nguồn tài chính kể trên hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm.

Hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm chỉ là một giải pháp. Muốn khuyến khích ngư dân ra ngư trường khơi xa phải thực hiện nhiều giải pháp nữa. Ông đã nghĩ đến giải pháp giảm các loại thuế, phí, thậm chí giảm giá xăng dầu cho ngư dân?

Các loại thuế, phí so với GDP của chúng ta đang vào loại thấp nhất trong khu vực và trên thế giới, nên khó có thể giảm hơn được nữa. Chính sách giảm giá xăng dầu cho ngư dân cũng khó khả thi, bởi rất khó quản lý, không cẩn thận còn bị lợi dụng.

Để hỗ trợ ngư dân, phải sử dụng nhiều giải pháp từ chính sách tín dụng, mua bảo hiểm đến việc hỗ trợ hậu cần nghề cá, phát triển công nghiệp chế biến hải sản, mở rộng thị trường…

Tin liên quan
Tin khác