Dự án - quy hoạch
Thị trường bất động sản Việt Nam 2023: Cờ về tay khối ngoại
Như Loan - 22/12/2022 08:00
Khi doanh nghiệp bất động sản nội địa đang đứng trước tình cảnh khó khăn, thì lợi thế chuyển dần sang cho các chủ đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ hơn.

Trước những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Chủ đầu tư nội “đau đầu” với siết tín dụng

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến hết quý III đạt 10,5%, rất gần mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng. Như vậy, hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ còn khoảng 3,5% cho quý cuối năm. Với hạn mức này, tín dụng sẽ tập trung ưu tiên mục đích cho và sản xuất - kinh doanh và các dịch vụ liên quan.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, từ đó tăng trưởng một cách lành mạnh và bền vững hơn trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, vị chuyên gia Savills cho rằng việc này sẽ giới hạn khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước của các doanh nghiệp bất động sản, vốn đang lâm vào tình thế khó khăn sau những biến động suốt thời gian qua.

“Các chủ đầu tư cũng như những đơn vị phát triển dự án bất động sản nội địa đang bị đẩy vào một giai đoạn đầy thách thức khi các kênh huy động vốn như phát hành trái phiếu, tín dụng, thị trường chứng khoán đều bị gián đoạn”, ông Neil MacGregor nói.

Tuy nhiên, so với tình hình chung của thị trường quốc tế, Việt Nam vẫn được xem là một điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đánh giá này được ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 – “Kích hoạt những cơ hội mới” gần đây.

Cờ về tay nhà đầu tư ngoại

Đại diện Gamuda Land đánh giá những “sóng gió” của thị trường bất động sản hiện tại lại mở ra nhiều cơ hội hơn cho chủ đầu tư nước ngoài

Cũng tại diễn đàn này, dưới góc nhìn của chủ đầu tư nước ngoài, bà Khanh Nguyễn - Giám đốc khối Phát triển kinh doanh Gamuda Land nhận định, những biện pháp của Chính phủ thời gian qua như điều chỉnh room tín dụng, kiểm soát trái phiếu sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo sự phát triển của thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững hơn về lâu dài. Đồng thời, việc này sẽ mở ra nhiều cơ hội thâm nhập thi trường hoặc mở rộng quy mô hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Điển hình có thể thấy là từ chính doanh nghiệp này, chỉ riêng trong năm 2022, nhà phát triển địa ốc danh tiếng đến từ Malaysia đã thực hiện thành công 2 thương vụ M&A có giá trị lớn. Đầu tiên là thương vụ mua lại dự án Artisan Park tại Thành phố mới Bình Dương từ TDC. Thương vụ này có giá trị lên đến 54 triệu USD, nằm trong Top 10 thương vụ M&A tiêu biểu nhất năm 2022. 

Kế đến, Gamuda Land cũng vừa sáp nhập một công ty nội địa để qua đó sở hữu dự án khu phức hợp căn hộ cao tầng rất tiềm năng tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Dự án này có tổng diện tích khoảng 3 ha, quy hoạch 1.300 căn hộ có tổng giá trị phát triển (GDV) ước tính lên đến trên 250 triệu USD.

M&A 2023 dự báo tiếp tục sôi động

Với nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn, đặc biệt là các chủ đầu tư ngoại, M&A được xem là một trong những chiến lược quan trọng nhất để mở rộng quy mô kinh doanh thông qua việc thâu tóm quỹ đất, hoặc liên doanh phát triển các dự án quy mô đã được phê duyệt. M&A đang được kỳ vọng là chiếc chìa khóa để giải bài toán cùng thắng (win-win) cho thị trường bất động sản, là biện pháp trước mắt để các doanh nghiệp nội thoát khỏi khủng hoảng hiện nay, đồng thời trở thành động lực giúp thị trường thoát khỏi tình trạng trầm lắng, dần trở nên sôi động hơn trong thời gian tới.

Gamuda Land vừa mua lại một dự án tại TP. Thủ Đức, hoàn thành 2 thương vụ M&A chỉ trong vòng một năm.

Ông Angus Liew – Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam trong một lần trao đổi với báo chí đã từng chia sẻ rằng tập đoàn này nhận định Việt Nam vẫn là thị trường rất giàu tiềm năng, và những sự điều chỉnh trong thời gian qua lại mở ra muôn vàn cơ hội cho các chủ đầu tư có tiềm lực thực thụ.

Lãnh đạo Gamuda Land Việt Nam cho biết tổng công ty tại Malaysia đã thông qua chủ trương tích cực tìm kiếm các cơ hội mới tại Việt Nam bằng nhiều cách thức, bao gồm mua bán sáp nhập, chuyển nhượng và đấu thầu. Trọng tâm của chiến lược này là nhanh chóng mở rộng danh mục đầu tư và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm như khu phức hợp cao tầng, nhà phố thương mại tại các khu vực giàu tiềm năng giáp ranh với TP.HCM.

Những tín hiệu như thế này từ các doanh nghiệp ngoại hứa hẹn sẽ góp phần tạo nên sự sôi động của hoạt động M&A trong ngành bất động sản, từ đó mang lại những tác động tích cực, hứa hẹn cho sự phục hồi của thị trường trong năm sau.

Tin liên quan
Tin khác