Khi đường... bớt ngọt
Báo cáo tài chính của CTCP Mía đường Sơn La (mã SLS) vừa công bố cho biết, trong quý IV niên độ tài chính 2017-2018 (từ 1/7/2017 đến 30/6/2018), dù doanh thu đạt 144 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ niên độ trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 39,3%.
Bóc tách doanh thu của Mía đường Sơn La có thể thấy, giá trị tuy không giảm, nhưng cơ cấu đã thay đổi đáng kể.
Cụ thể, doanh thu đến từ mảng đường, mật rỉ chỉ đạt 72 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ niên độ trước. Phần sụt giảm này được bù đắp từ tăng trưởng mảng kinh doanh thuốc trừ sâu với mức tăng 160%, tương đương 63,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận mảng thuốc trừ sâu lại khá mỏng, chỉ là 8,2% so với mức 25,95% của mảng đường, mật rỉ. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 44,7% của niên độ 2016-2017.
Tính chung toàn niên độ tài chính 2017-2018, Mía đường Sơn La ghi nhận 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 28,9% so với niên độ trước.
Lợi nhuận giảm, trong khi quy mô tài sản tăng, nên các chỉ số hiệu suất sinh lời cũng giảm mạnh, cụ thể: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) giảm xuống 8,2% so với mức 17,8% của cùng kỳ, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ còn 24,2% (cùng kỳ là 38,8%).
Câu chuyện tại Mía đường Sơn La cũng là bức tranh chung của phần lớn các doanh nghiệp cùng ngành đường trong niên độ vừa qua.
Tại khu vực miền Trung, CTCP Mía đường Lam Sơn (mã LSS) thậm chí báo lỗ sau thuế 11,4 tỷ đồng trong quý IV niên độ 2017-2018 (cùng kỳ lãi 18,2 tỷ đồng).
Dù doanh thu thuần trong kỳ của Công ty đạt 732,9 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng tốc độ tăng giá vốn lại cao hơn, đạt 7,2% nên lợi nhuận gộp giảm 10,5%.
Các loại chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều tăng mạnh, góp phần khiến Công ty thua lỗ.
Lũy kế cả niên độ 2017-2018, doanh thu của Mía đường Lam Sơn giảm đến 39%. Nhờ 3 quý đầu có lãi nên Công ty thoát lỗ toàn niên độ, nhưng con số lợi nhuận sau thuế đạt được vỏn vẹn 3,8 tỷ đồng, chỉ bằng 2,8% kết quả của niên độ 2016-2017.
Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, CTCP Mía đường Kontum (mã KTS) cũng báo lợi nhuận giảm tới 78%, chỉ còn 9 tỷ đồng trong niên độ 2017-2018.
Một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, quy mô lớn nhất ngành mía đường cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng là CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (mã SBT) cũng cho thấy sự suy giảm lợi nhuận.
Cụ thể, niên độ 2017-2018, Thành Thành Công Biên Hòa đạt doanh thu hợp nhất 10.364 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với niên độ trước; lợi nhuận sau thuế 546,7 tỷ đồng, tăng 61%. Tuy nhiên, kết quả này có được là do có sự hợp nhất với CTCP Mía đường Biên Hòa (mã BHS -hoàn tất sáp nhập vào tháng 10/2017).
Trong niên độ tài chính trước khi chưa hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của Thành Thành Công Biên Hòa theo báo cáo tài chính là 339,3 tỷ đồng, còn Mía đường Biên Hòa là 289 tỷ đồng.
Như vậy, thực tế, lợi nhuận sau thuế năm qua của Thành Thành Công Biên Hòa còn thấp hơn tổng lợi nhuận riêng lẻ của Công ty và Mía đường Biên Hòa gộp lại.
Do kết quả kinh doanh không mấy tích cực, trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu ngành đường đồng loạt giảm sâu. Chẳng hạn, thị giá cổ phiếu KTS đã mất 64% giá trị trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Tương tự, cổ phiếu SLS cũng giảm gần 60% giá trị, còn LSS và SBT giảm lần lượt khoảng 45% và 50%. Giá cổ phiếu giảm, song lợi nhuận còn giảm mạnh hơn khiến định giá của các cổ phiếu ngành đường càng trở nên kém hấp dẫn.
Số liệu của Mía đường Kontum cho biết, giá bán đường bình quân (chưa bao gồm thuế VAT) trong quý IV niên độ 2017-2018 là 10.492,26 đồng/kg, giảm 25,59% so với cùng kỳ niên độ trước. Tại Mía đường Sơn La, giá bán trong cùng thời điểm cũng giảm 24,5%, đạt 10.948 đồng/kg.
Tính đến 30/6/2018, lượng hàng tồn kho của Mía đường Lam Sơn lên đến 829,8 tỷ đồng, tăng 274,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ (1/7/2017) và chiếm 28,5% tổng tài sản Công ty.
Tại Mía đường Sơn La, tồn kho đến ngày 30/6/2018 cũng tăng gấp đôi đầu niên độ, đạt 437 tỷ đồng và chiếm 31% tổng tài sản. Sản lượng tiêu thụ đường của Mía đường Sơn La đã giảm 26,1% trong quý IV niên độ 2017-2018.
Những con số trên đã phần nào phản ánh bức tranh khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành đường, đó là dư cung khiến tiêu thụ gặp khó khăn, giá bán sụt giảm.
Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới, giá đường trắng tháng 7/2018 giảm 17,75 USD/tấn so với tháng trước đó, xuống 317,85 USD/tấn (trong khi mức trung bình các năm 2016 là 498,13 USD/tấn, năm 2017 là 432,07 USD/tấn).
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá đường giảm mạnh được cho là do sản lượng đường sản xuất toàn cầu niên vụ vừa qua tăng 10,3%, cao hơn so với mức tăng 2% của nhu cầu tiêu thụ.
Tuy vậy, một số diễn biến mới đây cho thấy, thị trường bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực hơn.
Cụ thể, tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với ngành đường đến hết năm 2019, đồng nghĩa với việc thực hiện cam kết ATIGA đối với ngành đường sẽ được áp dụng từ năm 2020, qua đó giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích ứng với hội nhập.
Về diễn biến giá đường, tuy vẫn trong xu hướng giảm, nhưng đang đón nhận nhiều dự báo lạc quan.
Theo dự báo của Rabobank (ngân hàng đến từ Hà Lan, với 1/3 hệ thống sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp), giá đường thế giới kỳ vọng sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm 2018 nhờ nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu tăng lên.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, sản lượng đường tại Brazil sẽ giảm 4,7 triệu tấn (giảm 12% so với cùng kỳ) trong mùa vụ tới.
Theo đó, sản lượng sản xuất đường thế giới dự báo giảm 1,85% xuống 188,3 triệu tấn, trong khi nhu cầu dự báo tăng 2% lên 177,6 triệu tấn, giúp chênh lệch cung - cầu được thu hẹp.
Cùng với đó, các quỹ đầu cơ hàng hóa sẽ tăng mua vào và Ấn Độ xây dựng kho dự trữ đường, dẫn đến hạn chế xuất khẩu đường ra thế giới; giá xăng dầu phục hồi mạnh khiến nhu cầu sử dụng xăng sinh học tăng lên… Đây là những yếu tố có lợi cho sự phục hồi của giá đường.
Trong nước, báo cáo phân tích tháng 6/2018 của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp trung bình 4%/năm trong thời gian tới, theo sát tốc độ tăng tiêu thụ bánh kẹo (5-6%/năm), sản phẩm từ sữa (10%) và nước ngọt (7%). Con số này gấp đôi tốc độ tăng trung bình của thế giới.
Những dự báo trên giúp nhóm doanh nghiệp ngành đường có cơ sở để kỳ vọng vào một niên độ mới với nhiều yếu tố tích cực, qua đó sẽ phản ánh trực tiếp vào giá cổ phiếu.
Tuy vậy, trước mắt, sau một niên vụ không mấy thành công, cổ đông của các doanh nghiệp mía đường sẽ khó hy vọng vào một chính sách cổ tức cao trong mùa Đại hội đồng cổ đông tới đây.
Vấn đề được nhà đầu tư quan tâm hơn là doanh nghiệp sẽ có giải pháp nào để vượt qua gian khó, chuẩn bị đón đầu cơ hội phục hồi?
Bên cạnh giải pháp chung là kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường đầu tư công nghệ, phát triển khách hàng, liệu có hay không phương án đa dạng hóa nguồn thu như SLS, hay tìm cách tái cơ cấu, sáp nhập, mở rộng thị phần như phương án SBT đã thực hiện thời gian qua?
Để giá cổ phiếu bớt rơi, lãnh đạo doanh nghiệp ngành đường cần tìm ra giải pháp và truyền thông về giải pháp đó đến nhà đầu tư đại chúng.