Từ việc mạnh tay xử lý sở hữu chéo…
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tiếp tục quyết liệt với sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, nên các ngân hàng chưa hoàn tất việc thoái vốn trước ngày 1/2/2016 theo quy định tại Thông tư 36 phải “chạy nước rút” trong năm nay. Sức ép thoái vốn không chỉ với ngân hàng lớn, mà còn đè nặng lên nhà băng nhỏ, bởi buộc phải nâng cao năng lực tài chính, trong khi cổ đông lớn rút lui.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, năm 2016, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các NHTM quy mô vốn còn thấp. Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu… đáp ứng các quy định mới. Tuy nhiên, theo ông Thanh, nguồn vốn tăng thêm phải lành mạnh, nếu tăng bằng vốn “ảo”, sớm muộn cũng sẽ gặp khó khăn. Điều này có nghĩa, vấn đề sở hữu chéo trong thời gian tới sẽ được NHNN kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thực tế cho thấy, sở hữu chéo luôn nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường, cũng như cổ đông các ngân hàng. Chẳng hạn, việc thoái vốn của Vietcombank là một những vấn đề “nóng” tại ĐHCĐ của ngân hàng này, khi là một trong số các ngân hàng nắm giữ trên 5% cổ phần tại nhiều tổ chức tín dụng (TCTD). Vietcombank hiện đang nắm 7,16% cổ phần MB; 8,19% cổ phần Eximbank; 5,07% cổ phần OCB; 4,37% cổ phần Saigonbank và 10,91% cổ phần Công ty Tài chính cổ phần Xi măng. Trước mắt, NHNN cho phép VCB giữ nguyên tỷ lệ tại MB. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietcombank, Ngân hàng sẽ xem xét giữ lại cổ phần ở 2 TCTD khác, tùy vào diễn biến của thị trường, giá cổ phiếu và kế hoạch kinh doanh của mỗi TCTD.
Vietcombank đã có kế hoạch sáp nhập thêm Saigonbank, song bất thành. Hiện Saigonbank được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng và nếu tăng vốn thành công, khả năng một số cổ đông lớn của nhà băng này như Vietcombank, Vietinbank sẽ thoát được án “vượt rào” sở hữu trên 5% tại TCTD khác.
Về phía Vietinbank, nhà băng này lên kế hoạch giảm sở hữu tại Saigonbank từ 10,39% xuống dưới 5% trong quý II năm nay. Đã có 10 cá nhân đăng ký mua cổ phần của Saigonbank, mà không có tổ chức nào đăng ký mua. Cụ thể, ngày 24/6, Vietinbank bán đấu giá công khai 16,8 triệu cổ phần Saigonbank, nhưng số lượng cổ phần đăng ký mua lên tới 67,5 triệu cổ phần, cho dù tình hình kinh doanh của Saigonbank không mấy khả quan khi liên tục sụt giảm trong quý IV/2015 và quý I/2016.
Eximbank cũng cho biết, Ngân hàng thưa thoái được khoản vốn đầu tư hơn 8% tại Sacombank và sẽ tiến hành thoái vốn trong thời gian tới khi điều kiện thị trường cho phép.
Theo Thông tư 36 quy định, một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng, hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực, các NHTM vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện quy định tại thông tư này.
NHNN kiên quyết xử lý sở hữu chéo, phải tăng vốn để tăng năng lực tài chính,… là những vấn đề khiến “cổ phiếu vua” chịu áp lực |
… đến tình trạng “dội cung”
Bên cạnh sở hữu chéo, các ngân hàng còn phải đối mặt với áp lực tăng vốn điều lệ. Bởi để sử dụng công cụ Basel hiệu quả, thông tin tài chính, bảng cân đối kế toán phải được kiểm toán rõ ràng; các tài sản từ tiền mặt, trái phiếu đầu tư, dư nợ tín dụng... phải được thẩm định chính xác.
Từ tháng 2 năm nay, 10 ngân hàng do NHNN chỉ định (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB) sẽ phải thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Đây là tiêu chuẩn không mới đối với các ngân hàng trong khu vực, nhưng đầy thách thức đối với các ngân hàng Việt. Một trong những áp lực về áp dụng Basel II đó là tăng vốn.
Việc các nhà băng đồng loạt tăng vốn sẽ khiến lượng cung cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong thời gian tới, trong khi mặt bằng giá khó cải thiện vì TTCK còn khó khăn. Đó là còn chưa kể đến việc tìm nhà đầu tư phù hợp theo kế hoạch tăng vốn của từng ngân hàng, bởi trước đó, trong những tháng cuối năm 2015, đã có không ít ngân hàng thất bại trong việc phát hành cổ phần cho đối tác, dù giá cổ phần chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, đối với những ngân hàng hoạt động hiệu quả, tiềm năng tăng trưởng tốt… thì cổ phiếu của những ngân hàng này vẫn luôn được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, cho dù ngành ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, nền kinh tế chưa hồi phục rõ nét.
Lãnh đạo VinaCapital cho rằng, đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, kể cả ngân hàng đã niêm yết và đang tái cơ cấu, khi đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng. Bởi ngành ngân hàng là ngành đặc thù và việc các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào các ngân hàng Việt Nam hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố như: chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng, nét tương đồng về văn hóa, việc tái cơ cấu được thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao...
TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM nhận định, cổ phiếu ngân hàng có nhiều điều kiện hỗ trợ để tiếp tục tăng trong năm 2016, chẳng hạn quá trình tái cơ cấu hệ thống đạt nhiều thành tựu, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lợi nhuận nhiều nhà băng đang khởi sắc… Tuy nhiên, đà tăng giá của cổ phiếu ngân hàng cũng đang gặp sự cản trở mạnh bởi nhiều yếu tố bất lợi như cổ tức, lợi nhuận tiếp tục được dùng để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, nên nhiều nhà băng không chia cổ tức và nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng mạnh.