Ảnh Shutterstock |
Trước hết là quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc hạ trần lãi suất huy động không kỳ hạn xuống 0,8%/năm và ngắn hạn dưới 6 tháng tối đa còn 5%/năm kể từ ngày 19/11/2019.
Một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống thấp hơn mức trần, chỉ khoảng 3,9 - 4,3%/năm.
Ðương nhiên, chi phí giá vốn rẻ trước tiên sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, sau đó là kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất.
Nếu so với diễn biến giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là ngân hàng trung ương Mỹ, có thể nhận xét rằng, quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra vào thời điểm này là khá cẩn trọng, đợi khi các điều kiện đã chín muồi.
Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất có độ trễ, bởi đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao, trong khi các ngân hàng vẫn chịu ràng buộc bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như thực hiện Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng, một trụ cột quan trọng để các ngân hàng thực hiện Basel II.
Lãi suất có thể giảm, chi phí vốn rẻ hơn, nhưng không có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều đủ điều kiện tiếp cận tín dụng dễ dàng.
Tín hiệu quan trọng với thị trường, theo thống kê mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI, dòng vốn chảy vào thị trường cổ phiếu Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư, quỹ ETF đã dương trở lại trong nửa đầu tháng 11 sau khi bị rút ròng liên tiếp từ đầu năm.
Tuần đầu tháng 11, dòng tiền vào cổ phiếu dương hơn 3.200 triệu USD và tuần tiếp theo dương gần 5.000 triệu USD... Trong khi tại thị trường Mỹ, dòng tiền vào chứng khoán vẫn âm.
Với dấu hiệu này kỳ vọng các quỹ ETF sẽ tăng mua ở thị trường Việt Nam và các mã trụ cột của thị trường đương nhiên sẽ là mục tiêu đưa thị trường đi lên.
Ðây cũng là điều kiện thuận lợi cho quỹ đầu tư dựa trên các chỉ số mới ở Việt Nam gồm VNFIN LEAD, VNFINSELECT và VN DIAMOND huy động vốn, sớm đi vào vận hành.
Các thông tin không chính thức trên thị trường cho biết, Quỹ VN Diamond đầu tư vào các cổ phiếu cạn room chưa thể vận hành được là do Sở giao dịch còn lấn cấn về quyền biểu quyết.
Quỹ này có thể mua cổ phiếu hết room, nhưng nếu đến 80% vốn đổ vào quỹ là vốn ngoại sẽ tác động chi phối đến quyền biểu quyết của doanh nghiệp, ngân hàng mà tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đang bị hạn chế ở mức 49% hay 30%.
Ðây là nội dung chưa được quy định trong các quy định. Nhưng kỳ vọng vướng mắc này sẽ sớm được giải quyết bởi nỗ lực của các công ty quản lý quỹ để đánh đổi giữa quyền biểu quyết cổ đông với quyền mua các cổ phiếu cạn room trên thị trường chứng khoán Việt Nam.