Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ðại hội đồng cổ đông bất thường đầu tháng 9 vừa qua của CTCP Vicostone (VCS) đã thông qua phương án chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn cổ phiếu quỹ, tỷ lệ 2,04:100.
Hiện Vicostone có 3,2 triệu cổ phiếu quỹ, được mua vào giai đoạn tháng 11/2018, thời điểm cổ phiếu VCS giảm về vùng 65.000 - 70.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, năm 2014, công ty này mua vào gần 10,6 triệu cổ phiếu quỹ và sử dụng số cổ phiếu này để chia cho cổ đông hiện hữu vào năm 2016.
Cổ phiếu VCS tăng giá liên tục sau khi thông tin trên được công bố. Chốt phiên giao dịch ngày 16/9, thị giá VCS đạt mức 91.600 đồng/cổ phiếu.
Một điểm cộng được giới đầu tư nhìn nhận trong trường hợp của Vicostone là việc mua cổ phiếu quỹ khi giá xuống và chia thưởng cho cổ đông trong bối cảnh giá cổ phiếu đang tăng.
Theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp thực hiện trả cổ tức, thưởng cổ phiếu bằng cổ phiếu quỹ, giá tham chiếu của cổ phiếu không bị điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền (trong khi các hình thức trả cổ tức bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh kỹ thuật tương ứng).
Ðáng chú ý, theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), biên độ dao động giá đối với trường hợp trả cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu trong ngày không hưởng quyền là +/-30% so với giá tham chiếu.
Có nghĩa là cổ phiếu VCS có cơ hội tăng tới 30% hoặc giảm tới 30% trong ngày giao dịch không hưởng quyền.
Vicostone không phải là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng phương thức này.
Năm 2015, CTCP Công nghiệp thương mại Sông Ðà (STP) và Ngân hàng TMCP Sacombank (STB) đã dùng cổ phiếu quỹ để chia thưởng.
Không sử dụng cổ phiếu quỹ để chia thưởng, CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) có Nghị quyết Hội đồng quản trị vào cuối tháng 8/2019 về việc bán 35,3 triệu cổ phiếu quỹ, với giá bán tối thiểu 32.650 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn 60% thị giá CII tại thời điểm công bố, ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu.
Tại thời điểm 30/6/2019, giá trị ghi sổ của cổ phiếu quỹ là gần 852 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân cổ phiếu quỹ hơn 24.100 đồng/cổ phiếu.
Hội đồng quản trị CII giao Ban điều hành tìm kiếm, đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng để thương thảo về việc bán các cổ phiếu quỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đơn thuần CII muốn bán cổ phiếu quỹ ra thị trường với giá cao như trên, sẽ rất khó thành công. Ngoại trừ trường hợp Công ty tìm được đối tác tiềm năng muốn đồng hành lâu dài cùng Công ty.
Cũng trong tháng 8 vừa qua, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) công bố thông tin về việc bán toàn bộ 61,6 triệu cổ phiếu nhằm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành và cơ cấu lại nguồn vốn.
Lượng cổ phiếu quỹ này được Công ty mua trong giai đoạn giữa tháng 4 đến tháng 5/2018, giá bình quân khoảng 17.857 đồng/cổ phiếu.
Theo doanh nghiệp, đợt bán này dự kiến diễn ra sau 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố thông tin (14/8) và tổng thời gian giao dịch không vượt quá 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện.
Thị giá cổ phiếu SBT hiện khoảng 15.850 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá bình quân mua cổ phiếu quỹ.
Ngày 3/9 vừa qua, Thành Thành Công Biên Hòa tiếp tục thông báo giao dịch bán 61,6 triệu cổ phiếu quỹ. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu có diễn biến tích cực, hiện đang ở mức 17.950 đồng/cổ phiếu.
Trường hợp bán cổ phiếu quỹ của Công ty Thực phẩm Hữu Nghị (HNF) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Theo đó, Công ty sẽ bán toàn bộ 1,2 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, nhằm mục đích tăng lượng cổ phiếu lưu hành, tái cơ cấu nguồn vốn.
Thời gian thực hiện từ tháng 9 - 10/2019 nhưng đảm bảo không ít hơn 10 ngày (trừ trường hợp giao dịch thỏa thuận) và nhiều hơn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện giao dịch.
Số cổ phiếu quỹ này được HNF mua vào cuối năm 2018, ước tính giá bình quân 42.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, HNF là cổ phiếu có thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch bình quân cả năm chưa đến 200 đơn vị/ngày.
Thực phẩm Hữu Nghị tiền thân là Nhà máy Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị, một trong những thương hiệu lớn của ngành bánh kẹo trong nước, được thành lập năm 1997.
Ðầu tháng 11/2015, Thực phẩm Hữu Nghị đưa 20 triệu cổ phiếu HNF lên giao dịch trên sàn UPCoM, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên 13.000 đồng/cổ phiếu.
Ðến tháng 3/2019, giá cổ phiếu HNF tăng mạnh lên 132.000 đồng/cổ phiếu, sau đó rớt mạnh và hiện về mức 40.800 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, CTCP DNA Holding công bố mua xong 2,54 triệu cổ phiếu HNF, nâng sở hữu từ 40,7% lên 54,2%. Như vậy, HNF chính thức trở thành công ty con của DNA Holding.
Cùng thời điểm mua vào của cổ đông này, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận 2,54 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch 152,4 tỷ đồng, tương đương 60.000 đồng/cổ phiếu.
Với diễn biến trên, chuyên gia phân tích dự đoán, có thể cổ đông lớn sau khi trở thành cổ đông chi phối muốn tái cơ cấu Công ty nên bán cổ phiếu quỹ ra ngoài thị trường, vừa giúp tăng thanh khoản, vừa mang lại dòng tiền cho Công ty.
Nửa đầu năm nay, HNF ghi nhận 578,6 tỷ đồng doanh thu và 13,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 14,7% và 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản HNF 1.032 tỷ đồng, được tài trợ chủ yếu bằng nợ phải trả (74,5%), riêng nợ vay là 668 tỷ đồng.