Hiện tại, có hơn 800 doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Chốt phiên giao dịch 14/12, UPCoM có 18 mã chứng khoán có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng, chiếm 78% vốn hóa toàn thị trường này. Đây cũng là những cổ phiếu đầu ngành, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Chẳng hạn, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW), đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). POW tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2018 và trở thành một trong những phiên IPO lớn nhất thị trường chứng khoán năm nay với giá trị thu về gần 7.000 tỷ đồng.
POW là nhà sản xuất điện đứng thứ 2 cả nước với thị phần phát điện chiếm 9,6%, đang vận hành 4 dự án nhà máy nhiệt điện khí là Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2 với tổng công suất 2.700 MW.
Theo đánh giá của CTCK KIS Việt Nam (KIS), giá thị trường điện năm 2019 dự báo tăng khoảng 15%, trong khi sản lượng thủy điện giảm do hiện tượng El Nino.
Việc nhu cầu tăng cao hơn so với nguồn cung khiến các nhà máy nhiệt điện sẽ phải nâng công suất. Theo đó, KIS cho rằng, năm 2019 sẽ là một năm “bội thu” đối với các nhà máy nhiệt điện nói chung và POW nói riêng. Được biết, POW đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết 2,34 tỷ cổ phiếu POW lên Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Hiện mã này đang được giao dịch quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
Mã chứng khoán BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng là cổ phiếu thu hút sự quan tâm nhà đầu tư khi luôn nằm trong Top 5 cổ phiếu được khối ngoại giao dịch nhiều nhất sàn UPCoM.
Cùng là thành viên của PVN, BSR quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ tháng 5/2010. Với vai trò quan trọng về an ninh năng lượng quốc gia, BSR thường được hưởng ưu đãi về mức giá và thời hạn thuê đất, cũng như các chính sách thuế.
Tuy BSR bắt đầu chịu áp lực từ "đối thủ" mới là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, nhưng theo thông tin mới nhất từ PVN, trong 11 tháng đầu năm, BSR đạt tổng doanh thu 103.900 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 4.900 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch năm. Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, lợi nhuận của BSR trong năm 2019 sẽ còn tăng trưởng cao hơn.
“Ông lớn” ngành hàng không là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cũng đang giao dịch cổ phiếu HVN trên UPCoM. Mức vốn hóa hiện tại của HVN là gần 50.000 tỷ đồng.
Với những yếu tố hỗ trợ như giá dầu giảm sâu, hoạt động thoái vốn khỏi các công ty con và công ty liên kết lĩnh vực dịch vụ hàng không, cùng kế hoạch thoái vốn nhà nước hay chuyển sang niêm yết trên HOSE, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, giá cổ phiếu cũng như thanh khoản của cổ phiếu HVN sẽ cải thiện từ quý I/2019.
Theo VCSC, hiện HVN còn trống khá nhiều room ngoại, nên một số quỹ mô phỏng chỉ số VN-Index có thể sớm mua vào cổ phiếu này, đồng thời việc chuyển sàn sẽ tạo điều kiện để cổ phiếu được giao dịch ký quỹ sau khi niêm yết 6 tháng.
Ngoài các doanh nghiệp trên, UPCoM cũng đang đón thêm nhiều “chiến binh” mới đầy tiềm năng. Gần đây nhất, 2 công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn FPT là Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) và CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.
Cổ phiếu VTP của Viettel Post từ khi lên sàn ngày 23/11 đến nay đã tăng 35% thị giá, vốn hóa của VTP ở mức 5.295 tỷ đồng. Ngày 18/12 tới, thêm một thành viên của Viettel là CTCP Tư vấn thiết kế Viettel cũng sẽ đưa 41,6 triệu cổ phiếu VTK lên UPCoM với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu.
Hơn 14 triệu cổ phiếu FOC của (FPT Online) cũng vừa giao dịch trên UPCoM vào ngày 10/12. Hiện thị giá của FOC giao dịch quanh mức 141.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy không thiếu vắng những cổ phiếu đầu ngành, kết quả kinh doanh khả quan, song đến nay, thanh khoản của sàn UPCoM vẫn rất thấp. Nguyên nhân được chỉ ra là do tính minh bạch trên sàn này còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa được phép cho vay margin... nên chưa thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.