Cổ phiếu giá... mớ rau
Từng là hàng “hot” một thời, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) đến cuối tuần qua (ngày 12/8/2016) chỉ có giá 7.600 đồng/CP, trong khi giai đoạn đỉnh cao năm 2009 là 146.000 đồng/CP. Nếu loại bỏ tác động điều chỉnh giá bởi các giao dịch hưởng quyền liên quan đến cổ tức, phát hành thêm, DIG hiện nay giảm giá chỉ bằng xấp xỉ 1/6 mức đỉnh cao này.
Nửa đầu năm nay, công ty mẹ DIC Corp lỗ hợp nhất gần 4 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phiếu trượt 4 quý của DIG xấp xỉ -29 đồng, nhưng xét trong mối quan hệ với thu nhập, cổ phiếu này cũng đang giao dịch dưới mức giá trị sổ sách khá xa, với P/B (giá trên giá trị sổ sách) ở mức chưa tới 0,68 lần.
Với trên 200 mã chứng khoán niêm yết có thị giá thấp, nhóm cổ phiếu này đang áp đảo thị trường chung. Các cổ phiếu có mức giá trên 10.000 đồng/CP phổ biến hơn đôi chút, trong khi nhóm cổ phiếu có giá từ 80.000 – 100.000 đồng/CP là không nhiều.
Có một thực tế là hầu hết các cổ phiếu thị giá nhỏ đều đang giao dịch thấp hơn khá nhiều so với giá trị sổ sách, với mức phổ biến là 0,5 lần giá trị sổ sách.
Đâu là cơ hội?
Từ mức giá 5.100 đồng/CP ngày 5/8, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã tăng một mạch lên mức 6.500 đồng/CP ngày 12/8, với 3 phiên tăng trần, 1 phiên tăng 3,9% và 1 phiên tăng 3,2%, giúp cổ phiếu này ghi nhận mức tăng giá 27,45% chỉ trong 5 phiên giao dịch của tuần qua.
Với kết quả này, nếu nhà đầu tư mua vào từ cuối tuần trước đó và bán ra ở cuối tuần qua, thì mức sinh lời trong một tuần từ HAG đã vượt xa mức sinh lời của các quỹ đầu tư đại chúng trong và ngoài nước đạt được trong nửa đầu năm nay (mức cao nhất là gần 20%).
Câu chuyện của HAG chỉ là một ví dụ cho thực tế phổ biến ở TTCK Việt Nam, đó là cổ phiếu càng “ruồi”, cơ hội kiếm lợi nhuận càng lớn (và tất nhiên, rủi ro cũng không kém). Với mức tăng 50%, thậm chí 100% của một cổ phiếu có thị giá khởi điểm ban đầu chỉ từ mức 2.000 đồng/CP, nhà đầu tư trên thực tế ít có cảm giác “sợ độ cao” so với một mã chứng khoán có giá khởi điểm ban đầu 80.000 đồng/CP và tăng 50% sau đó. Và ngược lại, chỉ cần giảm 1.000 đồng từ mức giá 3.000 đồng/CP, cổ phiếu này cũng mất tới 33% giá trị.
Thay đổi giá nhỏ, nhưng biến động tỷ lệ lớn, các cổ phiếu mệnh giá thấp tạo ra cơ hội lớn cho những nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Với “khẩu vị” này, tiêu chí lớn nhất mà thị trường lựa chọn chính là thanh khoản lớn và lựa chọn thời điểm mua vào.
Tuy nhiên, cổ phiếu “ruồi” không chỉ có những cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng. Với đặc điểm là hầu hết đều đang giao dịch dưới khá xa giá trị sổ sách, cổ phiếu nhóm này tạo cơ hội cho cả những nhà đầu tư cơ bản, khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục hoặc có yếu tố đột biến.
Cổ phiếu PXT của CTCP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí cuối năm 2015 có giá 4.700 đồng. Đây là hệ quả của 2 năm thua lỗ lớn, với mức lỗ năm 2013 là 35,584 tỷ đồng và năm 2014 là gần 160 tỷ đồng. Thế nhưng, việc ghi nhận lãi 33,681 tỷ đồng vào năm 2015 và tiếp tục lãi hơn 33 tỷ đồng nửa đầu năm nay đã tạo ra cú hích cho cổ phiếu này, giúp PXT tăng giá gần 60% tính đến thời điểm hiện tại.
Doanh nghiệp ngã từ đâu, thì cơ hội đứng lên từ đó sẽ lớn. Trong nửa đầu năm nay, giá cổ phiếu nhóm ngành thép tăng mạnh nhờ giá thép phục hồi, cổ phiếu dầu khí dù chưa trở về thời kỳ đỉnh cao, nhưng cũng có sự cải thiện theo giá dầu thế giới.
Cổ phiếu PPC của CTCP Nhiệt điện Phả Lại từng tăng giá gần 5 lần, sau khi giá đồng Yên giảm, thì nay trở lại đà rơi khi giá đồng Yên hồi phục. Thế nhưng, một khi đồng Yên giảm trở lại, hoặc kiến nghị mới đây của PPC về tính chênh lệch tỷ giá vào giá điện trình lên Thủ tướng Chính phủ được thông qua (nội dung này đã có Thông tư hướng dẫn, nhưng chưa được thực hiện trước đó), thì câu chuyện của PPC có thể sẽ khác.