Thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong phiên thứ Sáu bất chấp tâm lý lo ngại về biến chủng virus mới và nằm trong top đầu tăng điểm trong các sàn chứng khoán thế giới tuần qua. |
Chứng khoán Việt tăng điểm tích cực thứ hai thế giới
Trong khi tuần qua là giai đoạn giao dịch khá tiêu cực ở nhiều thị trường, chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận một tuần tăng điểm tích cực. VN-Index xác lập mức đỉnh mới khi lần đầu tiên vượt qua mốc 1.500 điểm. Ngay cả ở phiên giao dịch thứ Sáu, bất chấp tâm lý tiêu cực trước thông tin về biến chủng nguy hiểm mới (Omicron) lan tỏa ở nhiều thị trường chứng khoán, các chỉ số tại Việt Nam chỉ giảm điểm nhẹ.
VN-Index với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng đã đóng cửa tuần qua ở mức 1.493 điểm, tăng 40,7 điểm (+2,8%) so với cuối tuần trước. Tương tự, HNX-Index tăng 4,66 điểm, tương đương mức tăng 1,03%. Chỉ số sàn UPCoM với 3 phiên giảm điểm đã đóng cửa ở mức 114,34 điểm, tăng 1,1 điểm trong tuần qua.
Chứng khoán Việt Nam tăng điểm tích cực thứ hai thế giới, chỉ sau thị trường chứng khoán Chile. Trong khi, thị trường chứng khoán Nga diễn biến tiêu cực, giảm tới 7,79% so với cuối tuần trước. Nhiều sàn chứng khoán khác cũng bay hơi trên 5%.
VN-Index leo cao nhờ tuần dậy sóng của cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu của ông lớn ngân hàng Vietcombank (VCB) tăng 5,1% trong tuần và là đầu tàu kéo chỉ số tăng điểm. Một nửa trong top 10 cổ phiếu đóng góp tích cực nhất đến thị trường cũng đều ở nhóm nhà băng. Dù khá nhiều cổ phiếu nhóm này quay đầu điều chỉnh ở phiên thứ Sáu, cổ phiếu của Vingroup (VIC) bất ngờ bứt phá mạnh với mức tăng tới 4,79% và trở thành trụ đỡ “gánh” cả thị trường.
Nhóm bất động sản nhìn chung giao dịch khá phân hóa tuần qua. Cổ phiếu CEO nằm trong nhóm tăng mạnh nhất tuần với mức tăng xấp xỉ 35% và đóng góp gần 3 điểm tăng cho HNX-Index. Trong khi THD, CEO và L14 tăng giá, IDC có tới 4/5 phiên giảm điểm và điều chỉnh về mức 80.000 đồng/cổ phiếu, giảm 9,09% so với thời điểm cuối tuần trước.
Dòng chứng khoán nhìn chung giao dịch khá tích cực dù đã điều chỉnh ở hai phiên gần đây. Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí lại bị ghìm chân bởi xu hướng giao dịch của giá dầu thế giới. Giá dầu Brent giao dịch lình xình trong tuần và vừa bốc hơi tới 10% đêm qua, xuống mức thấp nhất trong gần 9 tuần gần đây do lo ngại về khả năng bị hạn chế đi lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới.
Khối ngoại đã mua ròng trong hai phiên đầu tuần nhưng sau đó tiếp tục ròng rã bán. Giá trị bán ròng tuần qua đạt 3.160 tỷ đồng, gấp 2,75 lần so với mức bán ròng tuần trước. Đây đã là tuần bán ròng thứ tư liên tiếp trên HoSE, trong khi đó chuỗi bán ròng trên sàn HNX đã kéo dài tới 10 tuần.
VPB là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với gần 39 triệu cổ phiếu bị khối ngoại bán ra với giá trị 1.477 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác cũng bị bán ròng mạnh là HPG (475 tỷ đồng), HCM (385 tỷ đồng), SSI (366 tỷ đồng), VIC (221 tỷ đồng)… Trên sàn HNX, cổ phiếu CEO với mức đỉnh mới liên tục được xác lập cũng trở thành cổ phiếu được khối ngoại tập trung chốt lời. Giá trị bán ròng cổ phiếu CEO xấp xỉ 80 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận động thái giải ngân đáng chú ý tại nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm CTG (265 tỷ đồng), STB (169 tỷ đồng), VCB (158 tỷ đồng) hay KBC (135 tỷ đồng), GMD (129 tỷ đồng) và QNS (136 tỷ đồng).
Dù khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu, dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn rất sôi động với hơn tỷ cổ phiếu liên tục sang tay mỗi phiên. Chỉ riêng trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch bình quân dù giảm 9,05% so với tuần trước vẫn đạt 1.068,13 triệu đơn vị/phiên. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 33.177,29 tỷ/phiên, giảm 5,03% so với tuần trước.
Tiếp tục xử phạt công ty chây ỳ công bố thông tin, CEO ThuDuc House bị bắt
Tiếp tục “mưa” lệnh xử phạt tuần trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục ban hành quyết định cùng mức phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp “chây ỳ” công bố thông tin. Trong đó, CMISTONE Việt Nam (CMI) bị phạt 70 triệu đồng, Tổng công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco - chưa đăng ký giao dịch) nhận mức phạt 85 triệu đồng.
CMISTONE Việt Nam (mã chứng khoán: CMI) đã không công bố thông tin báo cáo tài chính quý IV/2018; báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018; báo cáo tài chính quý 1/2019; Báo cáo thường niên năm 2018; báo cáo thường niên năm 2020 và công bố thông tin không đúng thời hạn về Báo cáo tài chính bán niên riêng và hợp nhất đã soát xét năm 2018, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý III/2018; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2018; báo cáo thường niên năm 2019, báo cáo tài chính quý II/2020 công ty mẹ và hợp nhất; thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ngày hiệu lực 21/2/2019)...
Vegetexco không báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo tài chính quý II, III, IV/2019; báo cáo tài chính quý I, II, III/2020; báo cáo tài chính bán niên năm 2019, 2020 đã soát xét; báo cáo thường niên năm 2019; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng rà soát lại và quyết định xử phạt các giao dịch của các cổ đông nội bộ vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Bà Nguyễn Thị Tú Anh, người liên quan của bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC không công bố thông tin dự kiến giao dịch hồi tháng 4/2021. Cụ thể, bà Tú Anh đã bán 138.800 cổ phiếu FLC vào ngày 14/4/2021 và mua 10.000 cổ phiếu FLC vào ngày 20/4/2021. Số tiền phạt cho hành vi này là 80 triệu đồng.
Bà Nguyễn Hương Giang, người có liên quan của ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn FLC đã mua 80.000 cổ phiếu FLC trong tháng 01/2021; mua 60.000 cổ phiếu FLC trong tháng 02/2021 và bán 140.000 cổ phiếu FLC trong tháng 03/2021. Cả ba giao dịch này đều không công bố thông tin dự kiến giao dịch.
Trong tuần qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam và một số đơn vị liên quan. Vụ án đến nay đã khởi tố 21 bị can về các nhóm tội danh nêu trên, trong đó có ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House). Ngay trước thời điểm nhận quyết định khởi tố hai ngày, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đã có đơn xin từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT và rút khỏi HĐQT của công ty kể từ ngày từ nhiệm và từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày HĐQT công ty chấp thuận vì lý do cá nhân.
Cổ đông nội bộ tích cực thoái vốn
Hoạt động giao dịch cổ phiếu tuần qua ghi nhận nhiều giao dịch đăng ký bán của các cổ đông nội bộ, nhất là ở nhóm các cổ phiếu xác lập đỉnh giá mới. Một số giao dịch đăng ký trước đây cũng đã hoàn thành.
Đến ngày 25/11, VNDirect đã bán xong hơn 5,9 triệu cổ phiếu quỹ, thời gian giao dịch khá nhanh từ ngày 11-25/11. Với giá giao dịch bình quân đạt 74.939 đồng/cổ phiếu, VNDirect đã thu về gần 473 tỷ đồng.
Trong ngày 25/11, bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đã bán thành công 1,6 triệu cổ phiếu. Cũng trong phiên giao dịch này, DIG đã tăng kịch biên độ lên 67.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản này tiếp tục tăng lên sau đó, đóng cửa tuần qua ở mức 69.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 125% so với đầu tháng 10.
Em trai và em dâu ông Nguyễn Đức Thụy, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt vừa đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu LPB nắm giữ để cơ cấu danh mục đầu tư. Tổng khối lượng cổ phiếu LPB của hai cá nhân trên xấp xỉ 2,1 triệu đơn vị. Giao dịch dự kiến bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 12/2021.
Ở chiều ngược lại, CTCP Logistics ASG đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Vinafco (VFC) lên 15,95% sau khi mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu.
Ông Vũ Văn Thành, Thành viên HĐQT CTCP Thương mại và Sản xuất Lập Phương Thành vừa đăng ký mua vào 1.99 triệu cổ phiếu LPT từ ngày 26/11-24/12. HDI Global SE - cổ đông lớn nhất của CTCP PVI mới đây đã đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu PVI trong thời gian 24/11-23/12. Nếu thực hiện thành công, tỷ lệ sở hữu của HDI Global SE tại PVI sẽ tăng từ 37,68% lên 38,53%.