Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tính đến hết tháng 11/2019, vốn hóa thị trường cổ phiếu hiện bằng 85% GDP, trong khi quy mô thị trường trái phiếu chính phủ là 25,1% GDP.
Dù vậy, giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ hiện gấp hơn 2 lần thị trường cổ phiếu. Dòng tiền ưa thích công cụ đầu tư an toàn hay vì lý do nào khác khiến thanh khoản giữa 2 mảng thị trường ngày càng lệch?
Trên thị trường sơ cấp, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ dao động quanh 4,5%, trong khi trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư phải căn từng đồng phí để kiếm lãi từ hoạt động giao dịch.
Trước đây, 80% chủ thể trên thị trường trái phiếu chính phủ là các ngân hàng thì nay, ngân hàng thương mại chỉ còn 45%, phần còn lại là dòng chảy vốn đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức, đầu tư nước ngoài, các quỹ bảo hiểm, công ty chứng khoán…
Trung bình mỗi phiên có khoảng 9.000 tỷ đồng được chuyển nhượng qua thị trường trái phiếu chính phủ, trong khi trên thị trường cổ phiếu, tổng cộng giá trị giao dịch của cả 3 sàn nhiều phiên không đạt 50% mức này.
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu giảm mạnh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của khối các tổ chức tài chính trung gian, thậm chí cả các Sở GDCK.
Làm thế nào để cải thiện hiện trạng này là câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra với nhà quản lý trong một diễn đàn về tương lai thị trường mới đây.
Ðiểm mới được chia sẻ bởi ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là việc hạ tầng công nghệ thị trường sẽ được cải tổ mạnh mẽ vào năm 2020, khi gói thầu công nghệ mới do Sở GDCK Hàn Quốc thực hiện sắp hoàn tất.
Trên nền tảng công nghệ mới, kiến nghị nhiều năm của nhà đầu tư về việc giao dịch trong ngày (T+0) với cổ phiếu sẽ triển khai được, nhưng thời điểm có thể vào cuối năm.
Một số giải pháp kỹ thuật khác cũng dự kiến áp dụng trong năm tới, nhưng trong đánh giá của nhiều chủ thể, các giải pháp kỹ thuật chỉ là công cụ.
Cái gốc của việc thu hút, thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh trên thị trường cổ phiếu là phải cải thiện chất lượng hàng hóa, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư vào hàng hóa trên các “chợ này”.
Câu chuyện được dư luận quan tâm mạnh mẽ gần đây liên quan đến một doanh nghiệp quy mô lớn, nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM. doanh nghiệp này có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng, dự kiến chào sàn với giá 35.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cả 2 đợt phát hành của doanh nghiệp để tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng và từ 2.600 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng đều có sai phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời chịu hình phạt bổ sung là thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Dù kết luận của cơ quan quản lý ngành chứng khoán là như vậy, nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện được những thủ tục cần thiết để trở thành công ty đại chúng vào ngày 25/11/2019, được ghi nhận vốn điều lệ như đăng ký với Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội.
Nếu lên sàn thành công, doanh nghiệp này có thể sẽ làm tăng giá trị vốn hóa cả chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có dòng tiền thực như đăng ký không? Sức khỏe tài chính, tương lai phát triển có thực vững để đáng với giá chào sàn 35.000 đồng/cổ phiếu? Hiện việc lên sàn của doanh nghiệp chưa ngã ngũ, bởi nhà quản lý chưa có quyết định.
Dư luận đang dõi theo động thái của các bên liên quan bởi nếu doanh nghiệp đó lên sàn được thì sẽ có những doanh nghiệp tương tự lên sàn sau khi tăng vốn "khủng và ảo", chấp nhận xử phạt hành chính.
Niềm tin thị trường phụ thuộc vào nền tảng pháp lý và cách ứng xử của nhà quản lý trước những tình huống phức tạp.
Cũng cần nhắc lại là sàn chứng khoán hiện có gần 50% số mã dưới mệnh giá, trong đó có cả trăm mã thị giá chỉ bằng cốc trà đá vỉa hè.
Từ câu chuyện về thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ bên cạnh thị trường cổ phiếu để thấy, không hẳn là khả năng sinh lời, mà niềm tin vào chất lượng hàng hóa mới là nhân tố cốt lõi thu hút dòng tiền chảy vào đầu tư.