Nội công, ngoại kích
Đại sứ quán New Zealand vừa tổ chức sự kiện “Food Connection” vào đầu tháng 5 tại Hà Nội nhằm quảng bá thực phẩm và đồ uống của New Zealand đến thị trường khu vực Đông Nam Á, mà trọng điểm là Việt Nam. Trước đó, những chương trình quảng bá đồ uống của các nhà nhập khẩu như lễ hội bia (Bỉ, Hà Lan), chương trình thử rượu, nếm rượu vang (Pháp, Chi Lê, Nam Phi)… đã trở thành hoạt động thường niên ở Việt Nam.
So với những nhà nhập khẩu thực phẩm và đồ uống khác như Pháp, Chi Lê, Nam Phi (rượu vang), Hà Lan, Bỉ (bia), Australia (thịt bò, hoa quả)…, kim ngạch nhập khẩu thực phẩm, đồ uống của các doanh nghiệp New Zealand chưa lớn. Nhưng họ đã nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường thực phẩm, đồ uống Việt Nam và không muốn chậm trễ thêm trong việc đưa các sản phẩm thực phẩm, đồ uống có quốc tịch New Zealand vào Việt Nam.
Trong khi các nhà nhập khẩu thường hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp với các sản phẩm đồ uống xa xỉ như: rượu mạnh, rượu vang, bia đen…, thì các nhà sản xuất trong nước đang hoàn toàn chiếm lĩnh phân khúc đồ uống bình dân, nhưng mức độ cạnh tranh giữa các nhãn hàng hiện nay cũng hết sức sôi động.
Ở mặt hàng nước giải khát có gas, Coca-Cola Việt Nam và Pepsi vẫn là 2 “đại gia” thống trị gần như tuyệt đối.
Mặt hàng nước uống đóng chai (nước khoáng, nước tinh khiết) lại không chỉ là cuộc đối đầu giữa 2 “ông lớn” là Nestlé Waters với nhãn hàng La Vie và PepsiCo với nhãn hàng Aquafina, mà còn là cuộc chiến giữa 2 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài này với các doanh nghiệp nội địa.
Xét về thực lực, không có doanh nghiệp trong nước nào đủ sức cạnh tranh đơn lẻ với Nestlé Waters và PepsiCo ở phân khúc thị trường này. Nhưng trên bình diện tổng thể, sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp trong nước cũng khiến La Vie, Aquafina mất đi thị phần đáng kể, nhất là khi phân khúc này có sự tham gia của những tên tuổi lớn trong nước như Vinamilk hay Masan Group mới đây.
Với bia, thị trường là sự cạnh tranh cực kỳ sôi động của hàng loạt tên tuổi lớn cả trong và ngoài nước như: VBL với các nhãn hàng Heineken, Tiger, Carlsberg; Anheuser-Busch InBev (AB InBev) với các nhãn hàng Budweiser, Corona và Stella Artois, Beck’s, Leffe, Hoegaarden; Carlsberg; Sapporo, Sabeco, Habeco… Riêng với mặt hàng bia, Sabeco và Habeco vẫn là 2 doanh nghiệp nội địa chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường nội địa.
Cuộc chiến sinh tồn mới - cũ
Doanh nghiệp nội địa trụ vững và có sự tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm gần đây phải kể đến 2 “ông lớn” của ngành bia là bia Sài Gòn - Sabeco với thị phần chiếm khoảng 30% và bia Hà Nội - Habeco chiếm gần 20% thị phần cả nước. Sabeco và Habeco có lợi thế cạnh tranh khi có một lượng khách hàng khá trung thành với khẩu vị bia truyền thống.
Tuy nhiên, cũng có thực tế là có một lượng không nhỏ khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi, gia nhập thị trường đồ uống có cồn với tâm lý thích khám phá những hương vị mới lạ. Điều này tạo ra lợi thế đáng kể cho các hãng bia nước ngoài. Trước sự mở rộng quy mô liên tục của các hãng bia “ngoại” như VBL, Carlsberg và đặc biệt là sự xuất hiện vài năm gần đây của Sapporo (Nhật Bản), và mới nhất là Budweiser đến từ Mỹ (ngày 21/5/2015 sẽ khánh thành nhà máy tại Bình Dương), việc giữ vững thị phần lớn của Sabeco và Habeco sẽ là bài toán nhiều thách thức trong những năm tới.
Ở phân khúc nước giải khát, Tân Hiệp Phát được xem là hiện tượng đặc biệt của các doanh nghiệp trong nước. Những sản phẩm nước giải khát như: Number1, Trà xanh 0 độ, Trà thảo mộc Dr Thanh… của Tân Hiệp Phát có nhiều thời điểm “làm mưa làm gió” trên thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành “đứng ngồi không yên”.
Đối trọng của Tân Hiệp Phát trong phân khúc này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như CoCa-Cola, Pepsi, URC, Uni-President... Sự phát triển mạnh mẽ cũng như khả năng cạnh tranh của Tân Hiệp Phát thời gian qua vô hình trung trở thành một trong những động lực buộc các đối thủ cạnh tranh phải có sự điều chỉnh về phân khúc sản phẩm và chiến lược kinh doanh. Ngược lại, bất kỳ động thái điều chỉnh nào về sản phẩm hoặc phương thức kinh doanh từ các đối thủ cũng có thể khiến Tân Hiệp Phát phải căng não.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (NGK) Việt Nam nhận định, với mặt hàng đồ uống nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế lớn là nắm bắt được khẩu vị và tâm lý thưởng thức của khách hàng nội địa. Song lợi thế đó cũng sẽ là lực cản cho chính các doanh nghiệp này nếu muốn xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
“Mặt khác, tâm lý ‘sính ngoại’ của khách hàng nội địa cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn ‘chia phần bánh’ với các doanh nghiệp nước ngoài đã có truyền thống sản xuất và buôn bán đồ uống từ hàng trăm năm nay”, ông Việt nói.