Cuối năm là thời điểm kinh doanh “vàng” của các nhà bán lẻ |
Tại thời điểm này, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết.
Theo công bố mới nhất của Sở Công thương TP.HCM, kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dịp Tết 2016 sẽ đạt mức 16.208 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng so với Tết 2015.
Trong đó, giá trị hàng bình ổn thị trường đạt 6.863 tỷ đồng, tăng 30 - 40% so với kết quả thực hiện năm 2015 để cung ứng thị trường Thành phố và các tỉnh lân cận.
Nguồn cung từ doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường chiếm 30 - 40% thị phần. Nhiều nhóm hàng có lượng chi phối 35 - 52% nhu cầu thị trường như thịt, trứng gia cầm, đường, thực phẩm chế biến...
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, việc công bố kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết, thống nhất cụ thể sản lượng cung ứng và giá cả từ các nhà cung cấp thuộc các ngành hàng đồ uống, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rau củ… từ sớm là cách để tạo mặt bằng giá ổn định với số lượng nguồn hàng đủ lớn để cung ứng ra thị trường, tránh tối đa tình trạng biến động giá, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ lớn thống lĩnh thị trường địa bàn Hà Nội, TP.HCM như Co.op Mart, Satra, Maximark, Big C, Fivi mart, Vinmart… đều khẳng định, phần lớn hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm đều là hàng nội, với tiêu chí ủng hộ cao nhất trong việc đưa hàng nội được lưu thông nhiều nhất trên thị trường.
Theo đại diện BigC Thăng Long, hệ thống siêu thị này đã làm việc xong từ nhiều ngày nay với các ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng, từ hàng thực phẩm tươi sống, hàng chế biến sẵn đến các nhà cung cấp rau củ, đồ uống… để đặt hàng, trước mắt phục vụ bán dịp Noel, Tết Dương lịch.
Vẫn theo đại diện BigC, mặc dù tại thời điểm này nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng chưa khởi động, nhưng dự báo chỉ sau 2 – 3 tuần nữa, từ khoảng 10/12 trở đi là phổ biến với dự báo sức mua tăng ở mức 10-15% so với cùng kỳ.
Để ổn định giá cả ngay cả thời điểm sức mua hàng hóa tăng cao, không gây tâm lý bất lợi cho khách hàng và với nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh hàng Tết, Big C khẳng định, mục tiêu trong các cuộc đàm phán vói các nhà cung ứng là đảm bảo giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng, thậm chí, cao điểm tiêu thụ nhưng các chương trình giảm giá vẫn được thực hiện thường xuyên đối với ngành hàng thực phẩm chế biến và tươi sống.
Xác định cuối năm là thời điểm kinh doanh “vàng” trong năm, Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan) cho biết, Vissan dự kiến đưa ra thị trường từ 2.000 – 2.200 tấn thịt lợn tươi sống, và khoảng 3.000-3.500 tấn sản phẩm đã qua chế biến tiện dụng, tăng 7% về sản lượng so với cùng kỳ. Doanh thu mà doanh nghiệp này kỳ vọng đạt được trong mùa kinh doanh cuối năm vào khoảng 630-650 tỷ đồng.
“Vissan sẽ tiếp tục phối hợp với các hệ thống siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến và các chương trình giảm giá đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống vào các ngày cận Tết. Đồng thời, đẩy mạnh việc đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua các chuyến hàng lưu động để người dân mua được những mặt hàng có chất lượng, phù hợp với thu nhập”, ông Trần Tấn An, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết cho biết.
Trong khi đó, ngành hàng bánh kẹo, vốn có dư địa kinh doanh tốt vào mùa Tết cũng khẳng định sẽ gia tăng nguồn cung cho thị trường cuối năm. Nếu Tết 2015, Công ty cổ phần Bibica tung ra thị trường 1.350 tấn bánh kẹo, sôcola, mứt các loại thì dự kiến 2016 này sẽ tăng ít nhất khoảng 4-5%.
Tại Hà Nội, địa bàn tiêu thụ lớn chỉ sau TP.HCM cũng đã công bố kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Theo Sở Công thương Hà Nội, dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Riêng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo có kế hoạch sản xuất, dự trữ đưa ra thị trường dịp Tết lượng hàng hóa khoảng trên 30.000 tấn, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng; doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát khoảng 196 triệu lít, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng; doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm, gạo, trứng, rau củ khoảng 700 tỷ đồng; các làng nghề sản xuất giò chả, miến khoảng trên 100 tỷ đồng….