Giá trị giao dịch M&A tăng 14%
Dữ liệu của Dealogic cho thấy các giao dịch M&A được công bố trên toàn cầu đạt tổng cộng 846,8 tỷ USD kể từ đầu năm đến ngày 25/9, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, giá trị các giao dịch M&A tại Mỹ giảm 8% xuống còn 338 tỷ USD do sự biến động mạnh của cổ phiếu, sự giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh và lãi suất kéo giảm hoạt động giao dịch.
Hoạt động giao dịch M&A diễn ra mạnh mẽ hơn bên ngoài Bắc Mỹ. Đơn cử, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến giao dịch M&A nhảy vọt 54% lên 273 tỷ USD nhờ một số giao dịch lớn, trong đó có đề xuất mua lại một chuỗi cửa hàng tiện lợi xuyên biên giới. Trong khi đó, thị trường M&A châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng 7% lên 160 tỷ USD.
“Gã khổng lồ” ngành bánh kẹo - thực phẩm Mars đã mua lại Cheez-It Kellanova với giá 36 tỷ USD. Ảnh: AFP |
Giới phân tích đang kỳ vọng sự chững lại chỉ là một bước lùi tạm thời của thị trường M&A trước khi phục hồi vào năm tới.
Các công ty săn M&A đang bắt đầu trì hoãn việc theo đuổi các thỏa thuận cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11/2024. Các nhà đầu tư ngân hàng và giới luật sư cho biết họ muốn có sự chắc chắn hơn về các chính sách kinh tế và quản lý dưới một chính quyền mới sau bầu cử tổng thống Mỹ.
"Đây không phải là năm M&A sôi động nhất mà chúng ta từng chứng kiến. Tôi muốn nói rằng mọi người có vẻ bi quan hơn là lạc quan", ông Adam Emmerich, đồng phụ trách khối doanh nghiệp tại công ty luật Wachtell, Lipton, Rosen & Katz, cho biết.
Việc giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là từ các cơ quan giám sát chống độc quyền trên toàn thế giới, đã ảnh hưởng đến số lượng các "thỏa thuận lớn" (trị giá hơn 25 tỷ USD). Thị trường M&A không có giao dịch nào từ 50 tỷ USD trở lên được ký kết, kể từ đầu năm đến nay.
Ông Tom Miles, đồng Giám đốc toàn cầu về M&A tại Morgan Stanley, cho biết thông thường các thỏa thuận lớn như vậy là động lực thúc đẩy khối lượng giao dịch nói chung.
"Rõ ràng là việc thiếu các thỏa thuận lớn là kết quả trực tiếp của một số áp lực về mặt quản lý hiện có", ông Miles nói thêm.
Tuy nhiên, các giao dịch có giá trị trong ngưỡng 1 - 10 tỷ USD đã tăng 27%. Trong quý III/2024, tổng số thương vụ M&A có giá trị từ 5 - 10 tỷ USD đã tăng lên 12, từ con số 10 thương vụ của năm trước, theo dữ liệu của Dealogic.
Quý III/2024 chứng kiến giao dịch thành công các thương vụ M&A quy mô lớn nhất, bao gồm: "gã khổng lồ" ngành bánh kẹo - thực phẩm Mars mua lại Cheez-It Kellanova với giá 36 tỷ USD; Blackstone mua lại nhà điều hành trung tâm dữ liệu Australia AirTrunk với giá 16 tỷ USD; và tập đoàn viễn thông Verizon thâu tóm Frontier Communications với giá 9,6 tỷ USD. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Canada Couche-Tard đã đề xuất mua lại Seven & i của Nhật Bản với giá 38 tỷ USD nhưng đã bị từ chối vào đầu tháng 9.
Các công ty có nhiều tiền mặt đang tập trung vào các giao dịch M&A có rủi ro tối thiểu về rào cản pháp lý.
"Các công ty đang tìm cách thực hiện các giao dịch lớn, sáng tạo, nhưng sẽ chỉ thực hiện trong vài tháng tới nếu rủi ro thấp", ông Jay Hofmann, đồng Giám đốc M&A khu vực Bắc Mỹ tại JPMorgan, cho biết.
Theo các nhà môi giới, các công ty cũng muốn tránh trở thành "chủ đề bàn tán trong chiến dịch tranh cử" trong mùa bầu cử tổng thống năm nay. Đơn cử, Nippon Steel của Nhật Bản đã đề xuất mua lại "ông lớn" ngành thép của Mỹ US Steel, nhưng đang vấp phải sự phản đối từ cả các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Nhu cầu bị nén lại
Các ngân hàng cho rằng, sự chậm lại của các hoạt động M&A toàn cầu trong quý IV/2024 sẽ chỉ là tạm thời và thị trường được kỳ vọng phục hồi vào năm tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất để hướng nền kinh tế đến kịch bản "hạ cánh mềm".
Ông Frank Aquila, quản lý cấp cao về M&A tại hãng luật quốc tế Sullivan & Cromwell, cho biết hoạt động giao dịch M&A xuyên biên giới đang chuẩn bị phục hồi khi các công ty Mỹ ghi nhận tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ hơn so với các đối tác châu Âu, khiến họ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho những bên mua bên ngoài Mỹ.
Ông Eric Tokat, đồng Chủ tịch phụ trách ngân hàng đầu tư tại công ty đầu tư Centerview Partners, cũng đồng tình với quan điểm trên. "Tôi dự đoán năm 2025 sẽ là một năm sôi động đối với hoạt động M&A", ông Tokat cho biết. "Có khá nhiều hoạt động trên diện rộng. Câu hỏi đặt ra là, hoạt động nào sẽ trở thành các giao dịch lớn thực sự".
Lãi suất thấp hơn là điềm lành cho các công ty cổ phần tư nhân, những công ty có hoạt động mua lại bằng nợ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed để chống lạm phát sau đại dịch Covid-19. Các công ty cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới, với số vốn trong tay hàng chục tỷ USD, đang chuẩn bị theo đuổi các mục tiêu M&A mà họ đã né tránh trước đây, các chuyên gia ngân hàng cho biết.
Ông Dietrich Becker, Chủ tịch và Giám đốc khu vực châu Âu tại công ty tư vấn tài chính toàn cầu Perella Weinberg Partners, cho biết: "Chúng tôi đang thấy các công ty cổ phần tư nhân trở lại tìm kiếm các công ty lớn hơn, trong khi trong một thời gian khá dài, họ đã tập trung rất nhiều vào các thương vụ nhỏ hơn, với mức vốn hóa trung bình".
Các thương vụ mua lại do các công ty vốn cổ phần tư nhân toàn cầu dẫn đầu trong quý III/2024, đã tăng 42% lên 166,2 tỷ USD nhờ các điều kiện tài chính được cải thiện. Hoạt động mua lại của các công ty vốn tư nhân cũng sẽ thúc đẩy thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tuy nhiên, vận may đang phân hóa giữa các nhà giao dịch. Tổng số giao dịch M&A được ký kết trong quý III đã giảm 11% xuống còn 2.915, vì các giao dịch lớn hơn đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm từ các giao dịch nhỏ hơn với giá trị 500 triệu USD trở xuống.
"Năm nay, rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân vốn hóa nhỏ và vừa không gặp may trong việc huy động vốn mới nhanh chóng, vì vậy, họ không có vốn mới để triển khai và điều đó cũng làm chậm tốc độ giao dịch trong danh mục nhỏ hơn", ông Jason Sobol, đồng Giám đốc khối ngân hàng đầu tư thị trường Mỹ tại công ty tư vấn đầu tư Evercore, cho biết.