Doanh nghiệp
Thị trường M&A đang là của người mua
Lê Quân - 23/11/2022 17:28
Rất nhiều công ty Việt Nam ưu tiên tăng thanh khoản, tăng tiền mặt nên thị trường M&A bây giờ là của người mua chứ không phải của người bán.

Đây là nhận định của bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&Adoanh nghiệp Việt Nam 2022 lần thứ 14 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 23/11 tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM.

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn 


Chia sẻ về khẩu vị đầu tư của các quỹ đầu tư ngoại, bà Lâm Thị Ngọc Hảo cho biết, các quỹ đầu tư ngoại luôn tìm kiếm các công ty có lợi nhuận cao để M&A.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo nghiên cứu của các công ty quốc tế, vòng quay tiền trung bình của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam tăng thêm 2 tuần trong năm qua, các doanh nghiệp thông thường cần thêm khoảng 20% vốn lưu động để duy trì mức kinh doanh như bình thường. Rất nhiều công ty Việt Nam ưu tiên tăng thanh khoản, tăng tiền mặt nên bây giờ thị trường là của người mua chứ không phải của người bán.

Câu chuyện nhà đầu tư lựa chọn đưa ra quyết định có M&A hay không thường dựa trên dự báo tài chính cho 5 năm hoặc 10 năm trong tương lai để biết được lợi nhuận đầu tư vào doanh nghiệp như thế nào. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khó tìm được sự minh bạch từ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bởi vì Việt Nam là một trong 7 quốc gia không áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Dù khuyến khích áp dụng IFRS nhưng chỉ có vài công ty tại Việt Nam sử dụng chuẩn IFRS. Việc không theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế khiến doanh nghiệp Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước khác trong các thương vụ M&A.

Hiện tại, nhà đầu tư đang quan tâm đến việc M&A các ngành, điện, nước, thực phẩm đồ uống, chăm sóc sức khỏe, y tế, start-up. Đây là những ngành phát huy được lợi thế dân số đông, thị trường lao động lớn. Khi doanh nghiệp làm tốt các dịch vụ này thì người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn, nên cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh các ngành này là rất lớn.

Tuy nhiên, trở ngại đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam là các chi phí tăng nhanh. Do vậy, muốn thu hút doanh nghiệp lớn chuyển dịch từ Trung Quốc và các thị trường khác, thì Việt Nam cần phải tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh các ngành có thể M&A như điện, nước, thực phẩm đồ uống, chăm sóc sức khỏe, y tế, các nhà đầu tư vẫn có sự quan tâm lớn đến ngành xây dựng, bất động sản, dù ngành này đang gặp khó khăn ở Việt Nam. Tuy nhiên, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra tiềm năng phát triển nhiều loại hình dự án bất động sản và xây dựng.

Các doanh nghiệp khi tham gia các thương vụ M&A cần lưu ý đến việc minh bạch các thông tin như hợp đồng kinh doanh, các khoản thanh toán. Khi tiền huy động vào sẽ triển khai dự án nào, dự án nào dừng lại..., tất cả đều phải minh bạch.

Đặc biệt, các công ty khi tiến hành M&A cần chuẩn bị quản trị và quản lý thật tốt.

Tin liên quan
Tin khác