Trong 10 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực tài chính đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 2 tỷ USD Ảnh: Đức Thanh |
Tìm lại cân bằng để phát triển bền vững
Báo cáo “M&A Việt Nam chuyển mình: Từ cơ hội đến chiến lược” do KPMG phát hành tháng 11/2023 cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt 4,414 tỷ USD, với hơn 260 thương vụ, giá trị trung bình mỗi thương vụ đạt hơn 54,5 triệu USD. Như vậy, giá trị giao dịch giảm 23% so với đầu năm và số lượng thương vụ cũng thấp hơn so với hai năm trước.
Tuy nhiên, KPMG đánh giá, các yếu tố kinh tế nội tại của Việt Nam vẫn duy trì, dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định và cam kết của Chính phủ trong xây dựng hạ tầng, cải cách kinh tế không suy giảm. Sự sụt giảm tạm thời trong thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn, với năm 2023 là một năm thị trường tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững.
Thị trường trải qua cơn sốt về giá trị và khối lượng giao dịch bởi nhà đầu tư trong nước từ năm 2020, khi nhiều công ty củng cố thị phần và phân khúc kinh doanh. Nhưng cơn sóng từ vốn nội địa chưa từng có đã kết thúc vào năm 2022, với tổng phần trăm đầu tư chiếm vị trí đầu tiên và giá trị giao dịch đạt đỉnh hơn 13 tỷ USD.
Trong năm 2023, khi nhà đầu tư trong nước chuyển sang thế phòng thủ để đánh giá lại chiến lược, thị phần của họ về giá trị M&A giờ đã giảm xuống còn 161,6 triệu USD, chiếm khoảng 4% tổng giá trị giao dịch được công bố. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã vươn lên chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch trong 10 tháng đầu năm 2023.
Ông Đinh Thế Anh, Trưởng bộ phận M&A (KPMG Việt Nam) đánh giá, những rủi ro và biến động của thị trường hiện nay khiến người mua và người bán trên thị trường đều trở nên cẩn trọng hơn. Trước đây, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh thu tốt, mạnh mẽ trong thời gian ngắn, thì bây giờ chuyển hướng sang tìm kiếm những công ty có độ tăng trưởng bền vững cao.
Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất, chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố. Việc nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường năm nay có thể là dấu hiệu chuyển hướng của thị trường từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành mạnh và có chọn lọc. Những tài sản có khả năng mở rộng, theo xu hướng khu vực, nắm bắt được xu thế cung - cầu trong nước và thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục thu hút quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Những lĩnh vực hút vốn lớn
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực tài chính đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 2 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất của năm cho đến nay là SMBC của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua lại cổ phần thiểu số đáng kể tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Đây cũng là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận trong ngành ngân hàng Việt.
Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) bán 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service (thuộc AEON Group) thu về 4.300 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là Quỹ Norfund (Na Uy), ước tính thu về tối thiểu 1.217 tỷ đồng, tối đa là 3.503 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng SHB (SHBFinance), với tổng giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng. SHB đang thảo luận để tìm một đối tác chiến lược có thể sở hữu tới 20% cổ phần của Ngân hàng, với mức định giá 2 - 2,2 tỷ USD (hứa hẹn trở thành thương vụ bán vốn lớn vào nửa đầu năm 2024).
Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ đã và đang được thực hiện như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho Shinsei Bank và Tập đoàn Saison của Nhật Bản; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hoàn thành việc thoái 40% vốn tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thu về 2.568 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dự kiến bán 32,5% vốn cho 2 đối tác ngoại. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu cổ phiếu, thực hiện trong năm 2023 - 2024. Còn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn với 455,3 triệu cổ phiếu…
Ở lĩnh vực bất động sản, thị trường duy trì gần 1 tỷ USD như năm 2022 và chứng kiến nhiều thương vụ lớn như ESR Group Limited mua lại cổ phần chiến lược của BW Industrial với tổng giá trị 450 triệu USD; Gamuda Land mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD của Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực.
Keppel mua 65% cổ phần trong một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại tại Hà Nội với tổng giá trị 50,4 triệu USD. Nhà đầu tư Singapore này cũng mua lại từ Tập đoàn Khang Điền 49% cổ phần của hai dự án khu dân cư liền kề ở TP. Thủ Đức, với tổng giá trị 136 triệu USD và tiếp tục mua 65% cổ phần trong một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại tại Hà Nội với tổng giá trị 50,4 triệu USD…
Chưa kể, một số thương vụ chưa được xác nhận như Capital Land mua lại một phần Dự án Ocean Park 3 của Vinhomes tại Hà Nội và một dự án khác ở phía Bắc TP. Hải Phòng, với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD…
Lĩnh vực y tế như một “ngựa ô” mới của năm 2023, với thương vụ Tập đoàn Y tế Thomson (Singapore) chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện FV, Tập đoàn Raffles Medical mua lại phần lớn cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Mỹ, hay nhà đầu tư tài chính Warburg Pincus (Mỹ) đầu tư chuỗi Bệnh viện Xuyên Á. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của GIC (Singapore) vào vòng gọi vốn Series B của Chuỗi phòng khám Nhi Đồng 315; ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) đầu tư vào Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây; Tập đoàn Donghwa Pharm (Hàn Quốc) đầu tư vào Trung Sơn Pharma - doanh nghiệp dược có tiếng ở miền Tây…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác tiếp tục thu hút dòng vốn M&A như tiêu dùng, năng lượng, công nghệ… Mới đây, tháng 11/2023, Jardine Cycle & Carriage (thuộc Jardine Matheson của Singapore) công bố tham gia đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 8.680 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco).
Sojitz (Nhật Bản) công bố thương vụ mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Đại Tân Việt - đơn vị phân phối nguyên liệu sữa và thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Trước đó, Masan Group ký thỏa thuận với Bain Capital (Mỹ) chấp nhận khoản đầu tư tối thiểu 200 triệu USD, có thể nâng lên 500 triệu USD vào cuối năm 2023…
Nhận diện cơ hội năm 2024
Năm 2024, thị trường M&A Việt Nam vẫn chịu áp lực từ tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường M&A thế giới. Nhưng sự ổn định về kinh tế vĩ mô cùng các yếu tố về pháp lý, môi trường đầu tư, sự dịch chuyển hoạt động sản xuất, thương mại… tiếp tục được xem là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đón dòng vốn mới. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế.
Nhận định về triển vọng thị trường năm 2024, ông Ivan Alver, đồng Chủ tịch Global M&A Partners đánh giá, nhờ điểm mạnh về chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề cao, chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc, Việt Nam đang được các công ty đa quốc gia lựa chọn làm địa điểm để thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng thị trường ngày càng cạnh tranh và tăng trưởng.
“Ngoài triển vọng trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực, Việt Nam còn hứa hẹn là thị trường tiêu dùng với dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Bất chấp sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ sẽ phải đầu tư nhiều hơn để thâm nhập thị trường này”, ông Ivan Alver nhận xét.
Theo ông Đinh Thế Anh, các lĩnh vực M&A tiềm năng thời gian tới là y tế, sức khỏe; tiêu dùng tài chính, bảo hiểm; năng lượng và bất động sản. Đặc biệt, dòng tiền có tín hiệu quay trở lại thị trường bất động sản khi lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt, khách hàng được tiếp cận khoản vay mới. Trong đó, bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm đến tiềm năng hấp dẫn các nhà sản xuất trên thế giới.
Trong khi đó, ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành RECOF Việt Nam nhận định, các lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng tiếp tục thu hút các cơ hội M&A từ nhà đầu tư ngoại, như FMCG (hàng thiết yếu) - bán lẻ, sản xuất - chế biến thực phẩm, logistics - kho bãi, tài chính - fintech. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn đặc biệt quan tâm những ngành đang có tiềm năng phát triển tại Việt Nam như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành bán dẫn, chip…