Thị trường quan trọng bậc nhất
Khoảng 109 tỷ USD hàng hóa sản xuất từ Việt Nam thuộc các ngành điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử, dệt may, túi xách, thủy sản… đã được doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2022.
Nửa đầu năm 2023, chịu tác động nặng nề từ suy giảm kinh tế, người Mỹ thắt chặt chi tiêu, nên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ không giữ được “phong độ”, chỉ đạt gần 45 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 55,9 tỷ USD.
Dù lượng hàng hóa bán sang Mỹ giảm mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu, nhưng sự suy giảm này được các chuyên gia nhận định là không đáng ngại. Bởi đây là tình trạng chung, các nhà mua hàng lớn của Mỹ giảm đặt hàng từ các nhà cung cấp toàn cầu, chứ không chỉ từ Việt Nam.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, đơn hàng ít đi, các doanh nghiệp trong nước vẫn chuẩn bị những nền tảng tốt nhất để chờ thời cơ tăng tốc xuất khẩu ngay khi có tín hiệu tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế và các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ tăng đặt hàng trở lại.
Những đơn hàng dù nhỏ thuộc nhiều ngành hàng vẫn đang được doanh nghiệp miệt mài góp nhặt để đưa hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường hơn 300 triệu dân.
Hôm 12/7, tàu biển chở 55.000 tấn xi măng mang thương hiệu Xuân Thành đã rời cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh) đến bang Louisiana (Mỹ). Đây là lô hàng thuộc chủng loại xi măng type I/II kiềm thấp, sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ ASTM C-150, xuất khẩu theo hợp đồng ký kết dài hạn với đối tác quốc tế. Dự kiến, lô hàng sẽ cập cảng New Orleans vào cuối tháng 8/2023.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành cho biết, đây là lô hàng thứ 2 xuất thành công sang Mỹ và tới đây, doanh nghiệp này sẽ tăng sản lượng theo cam kết trong hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu.
Với ngành dệt may, Mỹ cũng là thị trường quan trọng, quyết định tăng trưởng của doanh nghiệp, vì xuất khẩu sang thị trường này luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt gần 18 tỷ USD. Nửa đầu năm nay, con số này đạt khoảng 7 tỷ USD.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 cho biết, hoạt động đầu tư, chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu cao từ các nhà mua hàng tại những thị trường chủ chốt như Mỹ, EU… đang được May 10 tập trung để đón cơ hội tăng xuất khẩu khi sức cầu hồi phục.
Thiết lập và củng cố chuỗi cung ứng
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, còn ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yelle trong buổi diện kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam vào tuần trước đã khẳng định: “Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; có kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với đề nghị của phía Mỹ và cho biết, mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Gần đây, đã xuất hiện xu hướng rõ nét khi các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Intel, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.
Làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương gần đây, Giám đốc cấp cao, phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Walmart, bà Sarah Thorn nhấn mạnh: “Việt Nam đang nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart với các sản phẩm chủ lực gồm hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn”.
Cơ hội tại Mỹ rất lớn, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn gặp không ít rào cản. Bộ Công thương lưu ý, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới, nhưng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức do Mỹ ban hành nhiều chính sách nhằm giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích sản xuất nội địa. Những chính sách này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Mỹ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam và chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, khiến hàng Việt chịu thiệt thòi rất lớn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Thế Hải