Tân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng |
Thưa ông, du lịch Việt Nam đã xác định tập trung vào thị trường nội địa trong thời gian tới. Vậy điều gì sẽ tạo nên sức mạnh để khai thác thị trường gần 100 triệu dân này?
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã khẳng định rất rõ chiến lược phát triển du lịch nội địa, trong đó có nêu phải ưu tiên tổ chức tốt tour, tuyến đến các vùng địa danh lịch sử, văn hóa. Nhằm thực hiện chủ trương này, Bộ VHTTDL đã triển khai chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Trước những ảnh hưởng của Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã tính toán chuyển hướng và khai thác đối tượng khách hàng tiềm năng trong bối cảnh mới và đang thực hiện nội dung này theo chỉ đạo của Bộ.
Có một số hướng tiếp cận. Thứ nhất là, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú và cung ứng dịch vụ du lịch đang tái cấu trúc bộ máy hoạt động, chuyển từ đón các đoàn khách lớn, làm các tour/tuyến lớn, sang tiếp cận các nhóm khách gia đình nhỏ, an toàn.
Thứ hai là, xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên các di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa bản địa của các vùng miền và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để đưa sản phẩm du lịch tiếp cận gần hơn với người dân.
Trước mắt, ngành du lịch cần tập trung theo hai hướng này. Tuy nhiên, dù là du lịch quy mô nhỏ, nhưng không được chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng có thể xảy ra một lần nữa.
Các chương trình kích cầu nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” được Bộ VHTTDL triển khai thời gian qua có hiệu quả ra sao?
Các chương trình này bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, góp phần tăng trưởng du lịch nội địa. Tôi nghĩ là, cần tiếp tục củng cố và nhân lên, vì thực tế mới chỉ triển khai thí điểm ở một số địa phương.
Để phục hồi và phát triển du lịch, chúng ta phải đi bằng hai chân: tập trung đón khách quốc tế và ưu tiên phát triển du lịch nội địa. Chỉ khi nào đứng vững được bằng hai chân thì ngành du lịch mới phát triển ổn định.
Thời gian qua, chúng ta chú trọng khai thác lượng khách quốc tế mà chưa quan tâm nhiều đến “trận địa” trong nước với 100 triệu dân. Tác động của Covid-19 buộc toàn ngành và cộng đồng doanh nghiệp phải nhìn nhận lại thị trường này, để thấy rằng du lịch nội địa là một hướng đi căn cơ và là trụ đỡ cho ngành du lịch phát triển bền vững. Do đó, Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp phải tái cấu trúc, chuyển hướng tiếp cận, chuyển từ phong cách phục vụ khách ngoại sang phục vụ khách nội.
Doanh nghiệp du lịch hiện rất khó khăn sau các “cú đánh” liên tiếp của Covid-19, vậy Bộ VHTTDL đã kiến nghị Chính phủ những giải pháp nào để tiếp sức cho doanh nghiệp?
Bộ đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch nghiên cứu, xem xét để trình Chính phủ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ chỉ tập trung được về vấn đề cơ chế, còn thực tế nguồn lực của Nhà nước cũng rất khó có ngay để hỗ trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ theo hướng miễn, giảm thuế sử dụng đất và miễn, giảm tiền điện.
Còn về lâu dài, Bộ cần phải lắng nghe từ phía cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thẩm định của Nhà nước để trình Chính phủ có một chính sách căn cơ và cân đối chung giữa các nhóm ngành kinh tế khác.
Để xây dựng ngành kinh tế xanh vững mạnh trong kỷ nguyên Covid-19, theo Bộ trưởng, cần tập trung vào những giải pháp gì?
Chúng tôi đang xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2026 trong điều kiện bình thường mới và với các nhóm giải pháp sau.
Thứ nhất là, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là lữ hành cần sớm cơ cấu lại, có giải pháp để quản lý về nhân lực, nguồn lực.
Thứ hai là, nghiên cứu lại thị trường nội địa, cơ cấu lại thị trường khách để điều tiết thị trường, xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu và chiến lược phải được tính toán lâu dài cho vấn đề phát triển thị trường du lịch nội địa.
Thứ ba là, liên kết du lịch phải dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng, có tính thu hút cao và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối các giá trị và lan tỏa những giá trị của sản phẩm để khơi lên nhu cầu du lịch của du khách.
Thứ tư là, gắn du lịch, sản phẩm du lịch với yếu tố văn hóa.
Còn việc chuẩn bị để đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới thì sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ VHTTDL đang nghiên cứu, chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện đón khách, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc-xin đạt miễn dịch cộng đồng; nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn; có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.
Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sớm xem xét, áp dụng hộ chiếu vắc-xin, bởi đây là chìa khóa để mở cửa đón khách quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nếu Việt Nam có thể mở cửa đón khách quốc tế, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động trong ngành du lịch.
Bộ sẽ tham mưu để lựa chọn một số địa điểm đón khách quốc tế. Nếu Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cho phép và thí điểm thành công, đảm bảo an toàn, thì sẽ nhân rộng ra các nơi khác.