Với sự có mặt của 3 nhà máy mới là Hoà Phát Dung Quất, Tungho và Nghi Sơn, cuộc đua giành thị phần trên thị trường thép xây dựng tiếp tục nóng. |
Cạnh tranh khốc liệt
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cạnh tranh trên thị trường thép xây dựng ngày càng gay gắt do tiếp tục có thêm các đơn vị mới đi vào hoat động trong tháng 7/2019.
Các dự án thép xây dựng mới được VSA nhắc tới gồm có Hoà Phát Dung Quất, Tungho và Nghi Sơn.
Lớn nhất phải kể tới là Dự án Liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất. Theo đó, phần sản xuất thép xây dựng và thép dài tại Khu Liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất được triển khai trong trong 24 tháng, tính từ tháng 2/2017 và sẽ bổ sung cho thị trường 2 triệu tấn thép dài/năm, bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao.
Dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn có công suất 2 triệu tấn phôi thép/năm, với quy mô 4 dây chuyền cho 2 giai đoạn đầu tư, trong đó, giai đoạn I có công suất 1 triệu tấn/năm có kế hoạch bắt đầu sản xuất trong tháng 7/2019, giai đoạn II có công suất 1 triệu tấn/năm, dự kiến hoạt động cuối năm 2020.
Tungho - chủ đầu tư Công ty TNHH Fuco cũng vừa đưa nhà máy cán thép Fuco mới, công suất 600.000 tấn/năm vào hoạt động. Trước đó, giai đoạn I của Công ty TNHH Fuco - thuộc Tập đoàn Tungho (Đài Loan) là một trong những dự án có quy mô lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với công suất 1,6 triệu tấn/năm.
Sự có mặt của các nhà máy mới trong ngành thép xây dựng khiến cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Thống kê của VSA cho thấy, hết tháng 12/2018, năng lực sản xuất thép xây dựng cả nước là 16,93 triệu tấn/năm, nhưng thực tế sản lượng huy động chỉ có 11,093 triệu tấn/năm, nghĩa là chỉ phát huy được 66% năng lực sản xuất.
Bởi vậy, việc gia tăng năng lực sản xuất thép xây dựng từ các dự án mới càng đặt ngành thép trước nguy cơ không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư đã bỏ ra.
Thống kê của VSA về bán hàng cũng cho thấy, 7 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng của toàn ngành đạt 6,217 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên, việc tiêu thụ chỉ tăng 8,9% trong cùng thời điểm so sánh.
VSA cũng dự báo tăng trưởng của ngành thép trong nửa cuối năm 2019 và năm 2020 cũng không có sự đột biến và dao động quanh mức 9-10%.
Bảo vệ thị trường nội địa
Ngày 6/8 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ về biện pháp tự vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, việc điều tra này tiến hành theo đúng quy trình pháp luật, xuất phát từ yêu cầu của 4 nhà sản xuất trong nước. Cụ thể, ngày 1/7/2019, đã có 4 doanh nghiệp trong nước gồm Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty cổ phần Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức và Công ty cổ phần Thép Biên Hòa đã có hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài (ER01.SG04).
Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam (SG04). Thời hạn áp dụng biện pháp là 4 năm, kể từ ngày 22/3/2016 - 21/3/2020 (nếu không gia hạn).
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho hay, ngành thép thế giới đang trong tình trạng cung lớn hơn cầu. Đặc biệt là Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới đang chịu sức ép xuất khẩu rất lớn do nhu cầu trong nước chậm lại. Dự kiến, sản lượng xuất khẩu thép năm 2019 của Trung Quốc là khoảng 90 triệu tấn. Trước đó, năm 2018, lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc sang khu vực ASEAN - 6 đã tăng 2,3%, trong khi xuất khẩu vào các quốc gia và khu vực khác giảm.
“Quan điểm của VSA là từng bước đầu tư, xây dựng, phát triển ngành thép đồng bộ và khép kín, xây dựng ngành thép vững mạnh thực sự chứ không phải đi gia công. Việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã ký là cần thiết để bảo vệ lợi ích lâu dài của toàn ngành”, đại diện VSA nói.