Quốc tế
Thị trường trái phiếu Mỹ chịu đòn của "lạm phát kèm suy thoái"
Lê Quân - 22/07/2021 19:26
Những rung lắc của thị trường trái phiếu kho bạc đang phản ánh một tương lai bất định cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời ám chỉ rằng tăng trưởng sẽ chậm hơn còn lạm phát vẫn dai dẳng.
Bộ Tài chính Mỹ phát hành các khoản vay dưới hình thức trái phiếu. Đường cong lợi suất được xác định bởi lãi suất của trái phiếu ngắn hạn và dài hạn. Ảnh: AFP

Mối lo "lạm phát kèm suy thoái"

Sau khi bật tăng vào đầu năm khiến thị trường hoảng sợ, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm mạnh khi nhà đầu tư chuyển trọng tâm lo ngại về lạm phát sang sức phục hồi các hoạt động kinh tế ở Mỹ có thể chậm lại.

Ở những năm 1970, sự kết hợp của hai yếu tố, gồm: giá cả tăng cao và tăng trưởng thấp hơn, được định nghĩa là "lạm phát kèm suy thoái" (stagflation). Lạm phát kèm suy thoái là thực tế đáng lo ngại nhưng ít được chú ý ở Mỹ từ sau khi lạm phát được kiểm soát tốt trong vài thập kỷ qua.

Tuy nhiên, thuật ngữ "lạm phát kèm suy thoái" ngày càng được nhắc đến nhiều hơn khi bức tranh tăng trưởng của Mỹ trở nên u ám hơn.

Bà Aneta Markowska, chuyên gia tài chính trưởng tại Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Jefferies (New York) đánh giá: "Thị trường trái phiếu đang giao dịch trong tình trạng lạm phát kèm suy thoái". "Có ý kiến cho rằng những đợt tăng giá này sẽ phá hủy nhu cầu, dẫn đến những sai lầm về chính sách và cuối cùng là làm chậm tăng trưởng", bà Aneta Markowska cho biết.

Nữ chuyên gia của Ngân hàng Jefferies cũng cho rằng, giao dịch trong bối cảnh lạm phát kèm suy thoái khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trượt từ mức đỉnh cao 1,75% thiết lập cuối tháng 3 xuống còn 1,18% vào đầu tuần này là một sai lầm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang đi ngược chiều với giá cả.

Bà Aneta Markowska đánh giá, mức tiêu dùng mạnh mẽ và nguồn cung sắp bùng nổ sẽ đảo ngược tình trạng nút thắt cổ chai hiện nay - nguyên nhân khiến giá cả tăng lên mức cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng thời tạo ra thêm động lực để duy trì tốc độ tăng trưởng mà không gây ra lạm phát.

Do đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đứng ngoài cuộc ít nhất cho đến năm 2023, ngay cả khi Fed công bố điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất sớm hơn vào cuối năm 2022 sau những đợt tăng giá gần đây.

Các dự báo đều đồng thuận rằng kinh tế Mỹ sẽ đạt tăng trưởng 3%, còn bà Markowska cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 4% đến 5% trong năm tới.

Kỳ vọng tăng trưởng ở mức thấp

Trái phiếu thường được coi là "thành phần tỉnh táo hơn" của thị trường tài chính Mỹ và nhìn chung trái ngược với hoạt động của thị trường chứng khoán.

Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm được coi là khoản thu nhập cố định. Cũng như lãi suất, trái phiếu kho bạc là "phong vũ biểu" của nền kinh tế Mỹ. Ngay cả khi mức lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phục hồi về 1,29% vào hôm 21/7, điều này cũng không thể hiện nhiều niềm tin vào quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Quan điểm của chúng tôi là tăng trưởng và lạm phát sẽ đạt mức vừa phải", ông Michael Collins, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Công ty quản lý thu nhập PGIM Fixed Income cho biết.

"Tôi không quan tâm tăng trưởng và lạm phát năm nay ra sao, điều quan trọng đối với triển vọng trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của chúng tôi là diễn biến ra sao trong hơn 10 năm tới. Và tôi cho rằng nó sẽ đi xuống", ông Michael Collins nói.

Khi nền kinh tế Mỹ mới thoát khỏi những đợt phong tỏa chống dịch Covid-19, GDP đã cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2% thường thấy kể từ khi kết thúc cuộc Đại suy thoái năm 2009. Cuộc suy thoái do Covid-19 có lẽ là cuộc suy thoái ngắn nhất của Mỹ được ghi nhận đến nay, bởi nền kinh tế này đã phát triển vượt bậc kể từ giữa năm 2020.

Tuy nhiên, ông Michael Collins cho rằng mức tăng trưởng "khiêm tốn" của Mỹ như trước đây sẽ quay trở lại, với hy vọng các nhà đầu tư có thể đạt lợi suất tốt hơn.

"Mỹ sẽ tiếp tục là nước đi đầu trong tăng trưởng toàn cầu và sự năng động của nền kinh tế", ông Collins nhận định. "Nhưng mức 1,5% đến 2% là giới hạn tốc độ tăng trưởng của Mỹ trừ khi có một phép màu nào đó về năng suất", chuyên gia của PGIM Fixed Income nói thêm.

Lạm phát sẽ dai dẳng lâu hơn dự báo

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tại Mỹ tăng 5,4% trong khi chỉ số giá sản xuất tăng vọt lên 7,3%. Cả hai chỉ số này đều cho thấy áp lực giá vẫn tiếp diễn, ngay cả khi Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định rằng cơ quan này đã quyết liệt và kiên trì chống lạm phát hơn những gì ông và các đồng nghiệp của mình mong đợi.

Mặc dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trượt dài cho thấy thị trường phần nào đã xuất hiện những lo ngại và bất kỳ dấu hiệu nào sau đó cũng chỉ báo lạm phát sẽ dai dẳng lâu hơn dự đoán của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư vội vàng thay đổi tư duy và chiến lược đầu tư.

Các yếu tố trên càng làm gia tăng nguy cơ bóng ma "lạm phát kèm suy thoái". Mối quan tâm lớn nhất về tăng trưởng của Mỹ hiện tập trung vào mối đe dọa mà Covid-19 và biến thể Delta của virus này gây ra. Tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng có thể là "mối nguy chết người" trong bối cảnh đầu tư hiện nay.

"Nếu Covid-19 lây lan nhanh chóng trở lại, điều này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và kéo dài sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây lạm phát, vốn đã ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, bao gồm: chất bán dẫn và nhà ở", bà Nancy Davis, người sáng lập Quadrate Capital Management cảnh báo.

"Lạm phát kèm suy thoái gây rủi ro lớn hơn cho các nhà đầu tư so với lạm phát thông thường", bà Nancy Davis nói thêm.

Xem xét tình hình hiện nay, ông Michael Collins từ Công ty quản lý thu nhập PGIM Fixed Income cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang giao dịch xung quanh giá trị hợp lý.

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ thường ổn định và thận trọng hơn nhiều so với thị trường vốn cổ phần - thị trường có thể xoay chuyển dữ dội theo cả tin tốt lẫn tin xấu. Ở mức lợi suất hiện tại, nhà đầu tư giữ triển vọng thận trọng đối với thị trường trái phiếu Mỹ.

"Với những gì đã xảy ra trong 18 tháng qua và những vấn đề mà nhiều người trên thế giới phải đối mặt trong 2 - 3 năm tới, mức 1,2% (lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ) trong 10 năm là điều dễ hiểu", ông Nick Colas, đồng sáng lập Công ty dữ liệu và nghiên cứu thị trường DataTrek Research dự đoán.

"Điều đó không có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ đối mặt với khó khăn trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021 hoặc đi đến sụp đổ. Mà điều đó có nghĩa là trái phiếu kho bạc Mỹ có phản ứng lành mạnh đối với lịch sử, đặc biệt là với việc lạm phát luôn dưới mức trong thập kỷ qua", chuyên gia của DataTrek Research nhận định.

Tin liên quan
Tin khác