Đã thành thông lệ, thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian “nhàn” nhất đối với các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và đồ nội thất. Nhiều cửa hàng mở cửa cả tuần lễ không bán được sản phẩm nào.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số cửa hàng kinh doanh sơn phủ trên đường Hồng Bàng (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chủ một đại lý ở đây cho biết, khách đến mua vào mấy ngày nay chủ yếu là thợ thi công, mua với số lượng ít, chứ chưa chốt được đơn hàng nào lớn.
“Năm nào cũng vậy, thị trường sau Tết rất ảm đạm, chỉ mở cửa hoạt động để lấy ngày và bán lai dai, chứ thời gian này không có đơn hàng lớn, chủ yếu chốt hết trong năm rồi”, ông Thái, chủ một cửa hàng chuyên bán sơn trên đường Hồng Bàng nói.
Nhiều cửa hàng, showroom vật liệu xây dựng vắng khách dịp sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Việt Dũng |
Tương tự, tình hình của các cửa hàng bày bán thiết thị vệ sinh trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng chẳng khá hơn. Chị Thảo, chủ một cửa hàng chuyên nhập khẩu và phân phối thiết bị vệ sinh từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cho biết, dù sản phẩm có chất lượng tốt, giá mềm, mẫu mã đẹp, nhưng lượng khách đến cửa hàng trong thời gian này khá ít.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi, phần lớn mọi người đi lễ chùa và đi chơi nhiều, chứ ít ai sửa chữa hay xây mới vào dịp đầu năm. Phải đến đầu tháng 2 Âm lịch, thị trường mới bắt đầu hoạt động trở lại”, chị Thảo nói.
Tình trạng vắng khách cũng diễn ra đối với TMT showroom, cửa hàng chuyên phân phối các vật liệu xây dựng trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM). Đây là siêu thị vật liệu xây dựng thứ hai tại TP.HCM và là chuỗi mô hình siêu thị vật liệu xây dựng thuộc Thiết Thạch Group.
Theo kiến trúc sư Trần Tuấn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư, Kiến trúc Xây dựng Thiết Thạch Group, việc mở TMT Showroom tại quận 3, TP.HCM nhằm thâm nhập sâu vào thị trường các quận trung tâm, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các chủ đầu tư tại địa bàn trung tâm TP.HCM. Với tiêu chí phục vụ xử lý đơn hàng trong 24h, cung cấp vật tư xây dựng đúng chuẩn, minh bạch, kiểm đếm rõ ràng. Không pha trộn, không tráo mã, không cấp thiết vật tư đến với khách hàng. Thậm chí, Thiết Thạch Group còn cam kết chịu phạt 50 triệu đồng cho mỗi lỗi cấp sai vật tư xây dựng đến công trình.
Tuy nhiên, showroom này vẫn chưa thu hút được sự chú ý của đông đảo khách hàng, dù tọa lạc ngay mặt tiền một trong những tuyến đường tấp nập nhất TP.HCM.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, anh Trần Văn Phát, một chủ thầu xây dựng tại quận Thủ Đức cho biết, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hạn chế phát triển dự án mới tại khu trung tâm và nội đô.
Do đó, nhu cầu về vật liệu xây dựng của các chủ đầu tư tại địa bàn trung tâm thành phố sẽ không cao. Hơn nữa, các dự án trong trung tâm thành phố chủ yếu được triển khai bởi các nhà thầu lớn, nên sẽ được các nhà phân phối hay các đại lý chủ động liên hệ và phục vụ tận nơi.
“Có thể nói, đây là mô hình siêu thị về vật liệu xây dựng đầu tiên tại Việt Nam, vẫn còn khá mới lạ. Tuy nhiên, có lẽ chỉ phù hợp với những khách lẻ, còn đối với các nhà thầu như chúng tôi thì phải nhập từ nhà máy hoặc đại lý cấp 1, chỉ khi nào nhỡ hay thiếu mới mua ở ngoài”, anh Phát nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá cả các mặt hàng vật liệu, nội thất kể từ sau Tết đến nay vẫn ổn định. Cụ thể, giá thép xây dựng Việt - Nhật VinaKyoei, loại phi 6 - 8 được bán với giá 16.200 đồng/kg, loại phi 10 là 110.000 đồng/cây, phi 20 có giá 431.000 đồng/cây. Xi măng Chinfon PCB40 có giá 80.000 đồng/bao, xi măng Công Thanh PCB40 có giá 74.000 đồng/bao, xi măng Nghi Sơn PCB40 có giá 81.000 đồng/bao.
Cát xây có giá khoảng 350.000 đồng/m3, cát bê tông có giá 400.000 đồng/m3; gạch 4 lỗ 8x18 Mỹ Xuân I có giá 1.330 đồng/viên, gạch đinh 8 Mỹ Xuân I là 1.310 đồng/viên; đá 4x6 dao động từ 237.000 - 240.000 đồng/m3; đá 1x2 được bán với giá 270.000 đồng/m3.