Bắt đầu vào cao điểm mùa mưa nên nhiều công trình dân dụng của người dân bị thấm nước |
Anh Tuấn, chủ một cơ sở trang trí nội thất tại đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP.HCM cho biết, trong tháng 6, cơ sở của anh kinh doanh khá ế ẩm, nhiều thợ phải tạm nghỉ hoặc làm việc cầm chừng vì ít việc. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, anh đã có nhiều đơn hàng hơn, công việc chủ yếu liên quan đến việc xử lý các vết nứt, chống thấm trong các công trình dân dụng.
“Mấy ngày gần đây, tôi đã phải tuyển thêm người làm mới phục vụ được hết yêu cầu của khách hàng. Có ngày phải làm việc đến tận 11 - 12 giờ khuya”, anh Tuấn nói và cho biết, giải pháp chống thấm được nhiều gia chủ lựa chọn nhất hiện nay là dùng sơn chống thấm.
Giá sơn rất đa dạng, từ 300.000 - 700.000 đồng/thùng 5 lít cho loại sơn cao cấp. Ngoài sơn, thị trường còn có nhiều hóa chất chống thấm với đủ nhãn hiệu như Radcon7, Indoseal, Waterstop, Sika, Basf, Kova, Latex, Plastic, Acrylic..., giá bán từ 50.000 - 500.000 đồng/lít (tùy loại). Phụ gia chống thấm có công dụng chống thấm sàn, sân thượng, trần nhà, tường... là loại được trộn trực tiếp với vữa và xi măng, khi thi công với ưu điểm lớn nhất là cải thiện được chất lượng vữa và bê tông.
Ông Bình, chủ Cửa hàng vật liệu xây dựng Thịnh Phát trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, giá cả các mặt hàng sơn, vật liệu chống thấm tăng từ 5 - 10% so với tháng trước. Các loại sơn chống thấm có đến hàng chục chủng loại “thượng vàng hạ cám”, giá từ 40.000 - 60.000 đồng/lít, đến trên 400.000 - 500.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, để ngôi nhà bảo đảm chống thấm tốt trong mùa mưa, khách hàng cần quan tâm đến sản phẩm sơn, vật liệu có nguồn gốc từ nhà cung cấp, sản xuất nào. Ngay cả nhà thầu nhận chống thấm, gia chủ cũng nên lựa chọn kỹ lưỡng, bởi có trường hợp vừa chống thấm xong sau một cơn mưa nhà lại bị dột, thấm nước khắp nơi.
Thị trường vật liệu chống thấm đa dạng các chủng loại sản phẩm |
Điển hình như một số công trình khi thi công tường không được tô hồ bề mặt, không tô kỹ mạch hồ giữa các viên gạch. Hơn nữa, phần lớn các công trình dân dụng đều được xây biệt lập, khoảng cách giữa hai nhà rất hẹp, nên mặt ngoài của bức tường giáp nhà bên cạnh thường bị bỏ qua, không tô hồ. Kẽ hở này chính là nơi nước ngấm vào tường gây rộp, bong tróc sơn.
Đối với tình trạng ngôi nhà bị dột, nguyên nhân chính là do nước vào từ những nơi giáp mí tôn, lỗ đinh của tôn, những nơi mái tôn giáp mí với những nhà bên cạnh, hoặc ở vị trí gắn quạt hút gió. Cũng có những trường hợp tuy nhà không bị nứt, nhưng mỗi khi trời mưa vẫn thấy nước rơi từ trên trần nhà xuống. Nguyên nhân ở đây là do trong quá trình thi công đã không tính kỹ độ dốc của trần khiến trần bị đọng nước.
Thậm chí, có những công trình được gia chủ đầu tư các vật liệu chống thấm, dột ngay từ quá trình thi công, nhưng cũng không tránh khỏi bị thấm, dột là do dùng không đúng cách và chọn không đúng loại vật liệu.
Cụ thể, theo ông Tấn, trên thị trường hiện có rất nhiều vật liệu chống thấm, nhưng mỗi hạng mục công trình, mỗi nguyên nhân gây thấm sẽ có những vật liệu và cách thi công giống nhau. Do vậy, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi lựa chọn, nếu chọn không đúng sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn, vừa mất tiền vừa tốn thời gian “tái chống thấm”.
“Công trình nào cũng vậy, nên thực hiện xử lý chống thấm ngay từ đầu, chi phí chiếm khoảng 3% giá trị xây dựng công trình. Nhưng nếu để công trình hoàn thiện, chi phí khắc phục hậu quả có khi cao hơn gấp hàng chục lần so với chống thấm ngay từ đầu”, ông Tấn nói và cho biết, hiện nay, có rất nhiều loại vật liệu được nhập từ nước ngoài, nhưng chưa chắc các loại sơn và vật liệu chống thấm nhập khẩu có chất lượng cao hơn hàng nội địa.
Bởi các loại sơn nhập khẩu được sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước có khí hậu hàn đới, sẽ có tuổi thọ thấp hơn khi dùng để sơn, sửa lại các công trình ở những nơi có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam.