Cuộc đua kinh doanh trà sữa không chỉ dừng lại ở số lượng điểm bán, mà cả về quy mô cửa hàng, công thức chế biến. |
“Sống lại” sống động hơn
Nguyễn Tấn Minh, phụ trách marketing một thương hiệu điện tử đến từ Trung Quốc ở Hà Nội rất ngạc nhiên khi thấy quán trà sữa mình đồng sở hữu cùng một vài người bạn tại Hạ Đình, Thanh Xuân trước đây bỗng bị bao vây bởi 10 quán trà sữa tương tự khác.
Năm 2019, sau một năm hoạt động, anh Minh và những đồng sở hữu buộc phải dừng việc kinh doanh trà sữa khi doanh thu cửa hàng giảm mạnh từ khoảng 5 triệu đồng/ngày vào những ngày đầu tiên xuống còn khoảng 1 triệu đồng/ngày và rơi vào tình trạng thua lỗ. Không chỉ vậy, mâu thuẫn nội bộ khiến nhóm bạn buộc phải giải thể quán.
“Ngành trà sữa lúc đó thiếu đất để tăng trưởng. Để đầu tư, cần chọn đúng vị trí mặt bằng và phải theo kịp sự cạnh tranh gay gắt”, anh Minh nhớ lại quyết định đóng cửa hàng.
Thời điểm đó, nhiều cửa hàng thuộc các thương hiệu trà sữa khác nhau như Gongcha, Bobapop, Ding Tea, Koi Thé, The Alley, Mr. Good Tea, Goky, Royaltea, YifangTea… đã xuất hiện mạnh mẽ trên nhiều tuyến phố tại trung tâm Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố lớn trên khắp cả nước.
Sau cơn sốt thịnh hành năm 2018, 2 năm đại dịch Covid-19 đi qua để lại thị trường trà sữa nguội lạnh. Hơn một tuần qua, giới truyền thông bỗng đồng loạt dậy sóng với thông tin Việt Nam là thị trường tiêu thụ trà sữa đứng thứ ba Đông Nam Á, quy mô 362 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng (theo dữ liệu Momentum Works và qlub).
Trong khi đó, theo báo cáo của Reputa - đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu trên Internet - tháng 7/2022, trong ngành F&B, trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh sách các loại đồ uống nhận được nhiều lượt thảo luận nhất trên mạng xã hội, chiếm hơn 38% thảo luận của người dùng. Kế đến là trà (chiếm 26,03%), nước ép và cà phê (cùng tỷ lệ 14,98%)...
Thông tin trên khiến các thương hiệu trà sữa được cớ “sống lại” sống động hơn. Đặc biệt, phải kể đến Phúc Long, với thông tin rằng, chỉ sau một năm, định giá của thương hiệu này tăng gấp 6 lần, lên 450 triệu USD.
Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) cho thấy màn rót vốn lần thứ ba vào Phúc Long. Cụ thể, ngày 1/8/2022, Công ty TNHH The SHERPA - công ty con do Masan sở hữu gián tiếp, đã mua 10.837.500 cổ phiếu, tương đương 34% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Phúc Long Heritage, với tổng số tiền thanh toán 3.617.700 triệu đồng.
Như vậy, định giá cho Phúc Long tiếp tục được nâng lên mức 10.640 tỷ đồng (khoảng 450 triệu USD). Với giao dịch trên, vốn chủ sở hữu của Masan trong Phúc Long Heritage đã tăng từ 51% lên 85%.
Trước đó, tháng 5/2021, The SHERPA của Masan lần đầu tiên mua Phúc Long Heritage với tỷ lệ 20% cổ phần, giá 346 tỷ đồng, tương đương mức định giá 1.728 tỷ đồng (75 triệu USD). Hai bên sau đó tuyên bố cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hàng ngàn cửa hàng VinMart+ (sau đổi tên thành Winmart+) trên toàn quốc, đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long với giá 2.490 tỷ đồng, tương đương mức định giá 8.034 tỷ đồng và chuyển từ công ty liên kết thành công ty con sở hữu gián tiếp. Giao dịch này giúp kết quả kinh doanh quý II của Masan ghi nhận tại doanh thu tài chính khoản lãi lên tới 516 tỷ đồng. Đây là lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư 20% cổ phần trước đây vào Phúc Long Heritage.
Trong lần mua thứ ba, khoản lãi từ định giá lại sẽ không ghi nhận trong doanh thu tài chính, mà được ghi nhận tại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc bảng cân đối kế toán. Có thể nói, thương hiệu này như “hổ mọc thêm cánh” khi về tay Masan và đang chứng kiến sự vươn lên chóng mặt.
Không chỉ thương hiệu lớn, nhiều bạn trẻ cũng bắt tay tìm hiểu, mở quán trà sữa để khởi nghiệp cửa hàng nhỏ của riêng mình. Mặc dù cạnh tranh cao, nhưng lượng mua vẫn rất lớn. Vì thế, không khó để bắt gặp các quán trà sữa vỉa hè, nhỏ lẻ bên đường.
Cơn sốt trà sữa kiểu mới
Có thể nói, ngành công nghiệp này đang ở ngã ba đường, đối mặt với sự cạnh tranh quá mức và luồng đầu tư ồ ạt của các thương hiệu trong và ngoài nước. Nhưng vấn đề lớn mà các công ty trà sữa phải đối mặt là làm sao để cải thiện sản phẩm, dịch vụ với tiêu chí lành mạnh, ngon, rẻ, phù hợp với đại chúng ở Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng đã thay đổi khi nhiều người đã quan tâm hơn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe.
“Ngoài đường, các quán trà sữa nhỏ lẻ mọc lên nhan nhản. Chất lượng các hạt chân châu có vấn đề. Tôi và các con không uống quá nhiều trà sữa vì lo lắng đến sức khỏe. Trà sữa có rất nhiều phụ gia và đường, khiến tôi dễ tăng cân hoặc tệ hơn là mắc bệnh tiểu đường. Trước đây, tôi hay mua trà sữa cho cả gia đình vào dịp cuối tuần, nhưng 2 năm nay, đã không còn chuộng món đồ uống thịnh hành này nữa”, chị Thu Lan, 42 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) cho hay.
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều thương hiệu đã cho ra đời sản phẩm trà sữa bằng trái cây tươi, sữa tươi và ít đường hơn. Loại “trà sữa kiểu mới” trở thành cơn sốt, tạo ra phân khúc đồ uống có giá trị cao. Dù vậy, đối tượng chính của trà sữa kiểu mới là sinh viên và nhân viên văn phòng trẻ tuổi, nên sẽ rất khó để sản phẩm này thách thức các thương hiệu khác có sản phẩm rẻ và chất lượng tốt hơn.
Trường hợp của Chuk Chuk (chuỗi F&B của KIDO) là ví dụ. Sau hơn một năm ra mắt, chuỗi này đang có những thay đổi lớn ở mọi mặt, từ tên thương hiệu đến menu. Vào tháng 7 vừa qua, Chuk đã chính thức có mặt ở miền Bắc - cụ thể là Hà Nội, mở rộng thị trường ở miền Nam - xuống Đồng Nai. Dự tính, doanh thu toàn hệ thống từ nay đến cuối năm là trên 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, KIDO đã âm thầm đổi tên cũng như nhận diện thương hiệu Chuk Chuk. Tên thương hiệu từ Chuk Chuk Ice Cream - Coffee - Tea chỉ còn Chuk Coffee & Tea, từ 3 màu vàng - cam - xanh dương thành cam - trắng và phông chữ cũng thay đổi trở nên to - cứng cáp hơn.
Việc thay đổi nhận diện đến từ sự nhấn mạnh định hình về đối tượng khách hàng, cũng như muốn tạo nên nhiều trải nghiệm chuyên sâu của dòng trà thảo mộc, cà phê đến với khách hàng. Các khách hàng hiện tại đến trải nghiệm không gian và thức uống của Chuk không chỉ đơn thuần là Gen Z, mà còn là gia đình hiện đại và khách văn phòng.
Đại diện thương hiệu này cho hay, danh mục sản phẩm của Chuk Tea & Coffee đã có sự điều chỉnh so với giai đoạn đầu ra mắt. Theo đó, sản phẩm tập trung vào sự thanh mát của trà và vị đậm đà của cà phê.
Nhóm sản phẩm mới là sự kết hợp giữa nhiều nguyên liệu, tầng hương vị, cùng các thảo dược thiên nhiên quen thuộc, mang đến sự thú vị, tinh tế, nhưng vẫn gần gũi với khách hàng. Song song đó, các sản phẩm theo mùa mang đậm màu sắc hiện đại và cập nhật, tạo nên nhiều lựa chọn xuyên suốt cho mỗi ngày.
Quá trình tái cơ cấu của Chuk đang diễn ra khá quyết liệt, khi vào tháng 3/2022 có 50 cửa hàng nhưng giờ chỉ còn 37 cửa hàng. Với tốc độ như hiện tại, cộng với việc tái cơ cấu, rất khó để Chuk có thể đạt mục tiêu 200 - 300 cửa hàng vào cuối năm 2022 như đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông năm nay.
Còn nhớ, năm 2017, The Coffee House tuyên bố bán trà sữa bằng việc nhận nhượng quyền Ten Ren - một nhãn trà sữa của Đài Loan. Bằng việc bắt tay với The Coffee House, Việt Nam trở thành thị trường thứ 8 của thương hiệu trà sữa Đài Loan này. Hai bên dự kiến đến cuối năm 2018 có khoảng 40 cửa hàng trà sữa Ten Ren tại thị trường Việt Nam.
Thời điểm đó, cựu CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng và nhiều khoảng trống cho người đến sau. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, The Coffee House phải đóng cửa chuỗi trà sữa này vì chưa tìm được mô hình kinh doanh phù hợp ở thị trường Việt Nam.
Cuộc đối đầu của 2 ly trà sữa Trung Quốc - Đài Loan
Cuộc đua kinh doanh trà sữa không chỉ dừng lại ở số lượng điểm bán, mà cả về quy mô cửa hàng, công thức chế biến. Đặc biệt, các thương hiệu trà sữa nhượng quyền đến từ Trung Quốc đang cạnh tranh rất khốc liệt với các thương hiệu đến từ Đài Loan.
Theo quan sát, các thương hiệu trà sữa Đài Loan từ lâu đã “thống trị” thị trường trà sữa Đông Nam Á. Tuy nhiên, gần đây, nhiều thương hiệu Trung Quốc đã gia nhập khu vực này, như Mixue, Chagee và HEYTEA…
Các thương hiệu trà sữa của Trung Quốc luôn giỏi về xây dựng thương hiệu, sản phẩm, chuỗi cung ứng và quản lý chi phí, có thể đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các thương hiệu trà sữa địa phương hiện tại. Không khó để quan sát và tìm hiểu cách thâm nhập thị trường, cũng như chiến lược của họ, nhưng điều quan trọng là đảm bảo lợi nhuận tại từng cửa hàng và duy trì lợi tức đầu tư tốt.
Dù ngành trà sữa có tỷ suất lợi nhuận tốt, từ 60% đến 70%, nhưng rất ít thương hiệu có thể duy trì lợi nhuận liên tục ở quy mô lớn vì phát sinh nhiều chi phí trong quá trình duy trì và mở rộng chuỗi, cũng như sức ép cạnh tranh khi thương hiệu đạt đến mức độ nổi tiếng nhất định.
Theo các chuyên gia, giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng. Khách hàng cũng quyết định dựa trên danh mục sản phẩm tại các cửa hàng, cũng như việc có dễ dàng tiếp cận cửa hàng hay không. Để phục vụ những khách hàng muốn đồ uống lành mạnh hơn, các thương hiệu đang cung cấp nhiều sản phẩm chú trọng đến sức khỏe, như các loại trà trái cây tươi, cũng như có thể tùy chỉnh lượng đường và đá.
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng, có 3 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một doanh nghiệp trà sữa thành công, gồm xây dựng một sản phẩm chủ lực phù hợp để thu hút khách hàng ngay từ ban đầu, đạt được lợi nhuận từ cửa hàng đầu tiên và sau đó mở rộng mô hình trong khi vẫn duy trì lợi nhuận tại từng cửa hàng được nhân rộng.
Có nhiều thách thức đối với quá trình thực thi các nguyên tắc trên. Chuỗi cung ứng cho các cửa hàng trà sữa cũng có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với hoạt động thương mại điện tử do nhu cầu cao về độ tươi của nguyên liệu. Thêm vào đó, mở quán trà sữa là một ước mơ phổ biến đối với nhiều người trẻ ở Đông Nam Á, nên rất khó để tạo sự khác biệt.
Đại dịch giống như một quá trình chọn lọc tự nhiên đã khiến nhiều cửa hàng trà sữa đóng cửa và giờ đang là thời cơ để họ trở lại. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh trà sữa không nên ngồi chờ gặt mùa bội thu.
Nguồn: Báo cáo của Momentum Works và qlub