Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán: TLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần hơn 896 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp khoảng 385 tỷ đồng, tăng 9% so với 354 tỷ đồng ở cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 43%, giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính đạt 6,5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế khoảng 116 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 91 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ban lãnh đạo, kết quả này có được nhờ sức mua thị trường trong nước phục hồi cũng như doanh thu xuất khẩu ổn định. Bên cạnh đó, việc quản trị hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí.
Cụ thể, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cùng giảm so với cùng kỳ, lần lượt từ 194 tỷ đồng xuống 191 tỷ đồng và 86 tỷ đồng xuống 78 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý tài chính gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, lên 10 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, Thiên Long ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 2.912 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Doanh thu bán thành phẩm đóng góp hơn 2.347 tỷ đồng, còn lại đến từ hoạt động bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận gộp giai đoạn này gần 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ đi các khoản phí, công ty báo lãi trước thuế 532 tỷ đồng và lãi sau thuế 421 tỷ đồng, cùng tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mục tiêu năm nay doanh thu thuần đạt mức kỷ lục 3.800 tỷ đồng, tăng gần 10% so với kết quả năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng 7% lên 380 tỷ đồng, Thiên Long đã lần lượt hoàn thành 77% và vượt 11% kế hoạch.
Trước đó, ban lãnh đạo đánh giá mục tiêu lợi nhuận 380 tỷ đồng rất thách thức do các khoản đầu tư về con người và thương mại điện tử nên việc đạt biên lãi ròng 10% là không dễ. Còn về mục tiêu doanh thu năm nay thấp hơn năm ngoái, ban lãnh đạo cho biết: “Đây là cam kết để cân bằng lợi ích các bên liên quan, kiên cường bảo vệ thị phần, thương hiệu và lợi ích cổ đông”.
Nói về mục tiêu xa hơn, ban lãnh đạo Thiên Long cho biết trước đây từng đề cập kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2027. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty đã cân nhắc lại và quyết định không theo đuổi bằng mọi giá bởi việc này sẽ đánh đổi bằng nhiều rủi ro đối với hoạt động và tình hình tài chính.
Tính đến cuối quý III/2024, Thiên Long có tổng tài sản 3.302 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với đầu kỳ. Hàng tồn kho chiếm nhiều nhất trong cơ cấu tài sản của công ty với hơn 731 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 910 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó phần lớn là mục ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của công ty hiện đạt 2.392 tỷ đồng, lãi lũy kế hơn 981 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu TLG giảm nhẹ so với tham chiếu sau 3 phiên tăng liên tiếp, xuống 55.000 đồng. So với mức giá đầu năm (48.760 đồng), mã này đã tích lũy gần 13%. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây khoảng 140.000 đơn vị. Với hơn 78 triệu cổ phiếu đang niêm yết, vốn hoá thị trường gần 4.323 tỷ đồng.