Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán: TLG) ghi nhận doanh thu quý II/2024 đạt 1.207 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp giai đoạn này đạt xấp xỉ 586 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp hơn 48,5%, nhích nhẹ so với mức 44,7% của cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn này đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 5,3% lên hơn 206 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% lên khoảng 91 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 42%, từ hơn 9 tỷ đồng xuống 5,2 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Công ty báo lãi trước thuế 305 tỷ đồng và lãi sau thuế 241 tỷ đồng, lần lượt tăng 44,2% và 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức cao nhất về cả doanh thu và lợi nhuận nhuận hàng quý từ khi công ty đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán và công khai kết quả kinh doanh vào năm 2009.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh khởi sắc, ban lãnh đạo Thiên Long cho biết trong quý II, sức mua thị trường nội địa có dấu hiệu phục hồi. Điểm sáng trong giai đoạn này còn đến từ sự tăng trưởng doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, quản trị chi phí hiệu quả và thu nhập tài chính tăng do chênh lệch tỷ giá cũng tác động tích cực đến lợi nhuận sau thuế.
Luỹ kế nửa năm, Thiên Long có doanh thu thuần gần 2.016 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 1.988 tỷ đồng ở cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt hơn 929 tỷ đồng, tăng 7% so với hơn 868 tỷ đồng hồi 6 tháng đầu năm 2023. Tỷ suất sinh lợi gộp nửa đầu năm đạt 46,1%, tăng nhẹ so với 43,7% của cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty báo lãi trước thuế gần 417 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 330 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,5% và 23% so cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt mức kỷ lục 3.800 tỷ đồng, tăng gần 10% so với kết quả năm trước. Công ty kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng 6,69% lên 380 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Thiên Long đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 86,8% mục tiêu lợi nhuận.
Trước đó, trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do đặt mục tiêu doanh thu năm nay thấp hơn mục tiêu năm 2023, Ban lãnh đạo cho biết: “Đây là cam kết để cân bằng lợi ích các bên liên quan, kiên cường bảo vệ thị phần, thương hiệu và lợi ích cổ đông”. Ban lãnh đạo cũng đánh giá mục tiêu lợi nhuận 380 tỷ đồng rất thách thức do các khoản đầu tư về con người và thương mại điện tử nên việc đạt biên lãi ròng 10% là không dễ.
Nói về mục tiêu xa hơn, Ban lãnh đạo Thiên Long cho biết trước đây từng đề cập kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2027. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty đã cân nhắc lại và quyết định không theo đuổi bằng mọi giá bởi việc này sẽ đánh đổi bằng nhiều rủi ro đối với hoạt động và tình hình tài chính.
Đánh giá về xu hướng ngành văn phòng phẩm, ban lãnh đạo cho rằng, ở nhu cầu về bút viết, dụng cụ học tập và mỹ thuật ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh mạnh, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Trung Quốc, Thiên Long phải tập trung vào thiết kế tạo ra sản phẩm khác biệt và ấn tượng nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng.
Tổng tài sản của Thiên Long tính đến cuối quý II/2024 đạt 3.272 tỷ đồng, tăng 16,5% so với mức 2.808 tỷ đồng hồi đầu năm. Nợ phải trả tăng từ 714 tỷ đồng lên 888 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty hiện đạt 2.384 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 972 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TLG hiện giao dịch ở vùng giá 53.400 đồng, tăng 7,5% so với mức 49.650 đồng hồi đầu năm. Với gần 78,6 triệu cổ phiếu đang niêm yết trên sàn TP.HCM, vốn hoá thị trường của công ty đạt khoảng 4.150 tỷ đồng.