Tài chính - Chứng khoán
Thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp khó, vì sao?
Mạnh Bôn - 31/07/2019 08:33
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố kế hoạch thoái vốn nhà nước tại 108 doanh nghiệp trong năm nay. Năm 2019 đã trôi qua quá nửa thời gian, vì thế, theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, để hoàn thành mục tiêu đặt ra là vô cùng khó khăn.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC

Giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ giao SCIC thoái vốn tại 132 doanh nghiệp, nhưng đến thời điểm này, số lượng doanh nghiệp thoái vốn chưa đạt 50%. Như vậy, có thể nói, việc thoái vốn khó có thể hoàn thành kế hoạch?

Từ năm 2017 đến nay, các bộ, ngành, địa phương mới thoái vốn nhà nước tại 88 doanh nghiệp, tức là mới đạt 21,8% mục tiêu đặt ra tại Quyết định 1232/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thoái trong giai đoạn 2017-2020. Còn theo Danh mục doanh nghiệp bán vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho SCIC tại Quyết định 1001/QĐ-TTg (ngày 10/7/2017), thì trong giai đoạn 2017-2020, SCIC phải bán vốn nhà nước tại 132 doanh nghiệp, không kể 4 doanh nghiệp SCIC được chủ động bán và doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương bàn giao về SCIC do không thoái được theo Quyết định 1232/QĐ-TTg.

Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã bán toàn bộ vốn tại trên 50 doanh nghiệp, bán một phần vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp và bán quyền mua cổ phần tại 2 doanh nghiệp khác. Như vậy, nếu so với tốc độ thoái vốn chung của cả nước, rõ ràng, tốc độ thoái vốn của SCIC cao hơn rất nhiều.

Chưa kể, theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thì có khoảng 10 doanh nghiệp SCIC không được bán, mặc dù nằm trong Danh mục thoái vốn theo Quyết định 1001/QĐ-TTg và trên 40 doanh nghiệp khác chúng tôi đã nhiều lần thoái vốn nhưng không thành công, thậm chí không có nhà đầu tư quan tâm. Nếu loại trừ đi những doanh nghiệp này, thì tỷ lệ thoái vốn thành công của SCIC có thể nói là khá cao.

Vốn hay nợ, kể cả nợ xấu cũng là hàng hóa, thị trường là nơi định giá. Thưa ông, vì sao trên 40 doanh nghiệp không bán được?

Trong số hơn 40 doanh nghiệp này, có 28 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế trên 3 năm, trong đó có nhiều trường hợp đáng ra phải xử lý theo hình thức giải thể, phá sản. Với những doanh nghiệp này làm sao mà bán được, kể cả bán rẻ vì không nhà đầu tư nào muốn “ôm cục nợ”. Những doanh nghiệp làm ăn “tàm tạm” thì vốn nhà nước chỉ chiếm 5%, 10%, 20%, rất khó bán.

Một số doanh nghiệp còn lại, khi xác định giá trị để đem bán thì tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp, định giá cao gấp nhiều lần giá trị thực, nên không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra mua. Chúng tôi cũng không thể bán doanh nghiệp dưới giá do tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp đưa ra, vì nếu bán, chắc chắn cơ quan quản lý nhà nước, dư luận xã hội, đặc biệt là báo chí sẽ đặt hàng loạt câu hỏi vì sao SCIC bán vốn nhà nước thấp hơn giá tổ chức tư vấn đưa ra, liệu có thất thoát tài sản nhà nước, có khuất tất không…

Trong số doanh nghiệp thoái vốn có một số đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Thị trường sẽ định giá chính xác, khi đó, SCIC bán với giá thị trường thì sẽ không có bất cứ nghi ngờ gì từ dư luận xã hội?

Về lý thuyết thì như vậy, còn trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mà SCIC đang làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán bình thường thì giá cổ phiếu lúc tăng, lúc giảm, nhưng xu thế giảm nhiều hơn tăng. Rất ngạc nhiên là khi có thông tin thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngay lập tức giá cổ phiếu tăng liên tục, thậm chí tăng kịch trần liên tục, nhưng mỗi phiên chỉ có vài chục đến vài trăm cổ phiếu giao dịch. Còn vì sao cổ phiếu đó lại tăng giá trong khi doanh nghiệp hoạt động bình thường, không có gì đột biến thì tôi không thể giải thích được.

Theo quy định tại Nghị định 32/1018/NĐ-CP thì trong trường hợp này, giá khởi điểm vốn nhà nước đem bán không được thấp hơn giá tham chiếu. Giá tham chiếu là giá bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần, chuyển nhượng vốn. Trong khi, như tôi đã nói, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sắp thoái vốn tăng liên tục, mặc dù mỗi phiên chỉ có vài chục đến vài trăm cổ phiếu giao dịch thành công. Khi bán vốn nhà nước mà lấy giá tham chiếu các phiên đó, thì không nhà đầu tư nào mua. SCIC cũng không dám bán dưới giá tham chiếu, nếu bán, chúng tôi không gánh nổi trách nhiệm.

Ông có nghĩ rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến năm 2018, việc thoái vốn không thành công?

Thoái vốn thành công hay không phải xét trên nhiều khía cạnh. Nếu xét trên số lượng doanh nghiệp cần phải thoái vốn và số doanh nghiệp thoái được thì đúng là thoái vốn năm 2018 không thành công, nhưng xét trên khía cạnh chất lượng, hiệu quả thoái vốn thì có thể nói, việc thoái vốn năm 2018, cũng như từ trước đến nay của SCIC là thành công.

Cụ thể, năm 2018, chúng tôi thoái 2.617 tỷ đồng tiền vốn nhà nước tại 9 doanh nghiệp, trong đó có 7 doanh  nghiệp thoái 100% vốn nhà nước, thu về 7.693 tỷ đồng, gấp 2,94 lần giá vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán “rung lắc” mạnh.

Một thành công nữa là sau khi Nhà nước rút lui, doanh nghiệp tiếp tục làm ăn hiệu quả, tiếp tục sử dụng lao động cũ, thu hút lao động mới, tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Đây mới là mục đích chính của việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Thưa ông, trường hợp sau khi SCIC thoái vốn, nội bộ doanh nghiệp bất hòa, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh thì sao, chẳng hạn như đã xảy ra ở Vinaconex?

Xét riêng khía cạnh thoái vốn, tôi cho rằng, việc thoái vốn nhà nước tại Vinaconex rất thành công. Thành công ở đây không chỉ nói về việc bán được vốn nhà nước với giá cao nhất có thể theo đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, mà còn thành công trong cả việc chuyển giao quyền quản trị, quản lý doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Sau khi tiếp nhận doanh nghiệp, giữa cổ đông mới và cổ đông cũ nảy sinh vấn đề mâu thuẫn, thì SCIC không có quyền can thiệp.

Nhìn nhận quá trình quản trị Vinaconex sau khi SCIC thoái hết vốn nhà nước, tôi cho rằng, việc đấu tranh giữa cổ đông cũ với cổ đông mới là câu chuyện hết sức bình thường. Việc này không chỉ xảy ra tại Vinaconex, mà còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp khác, không chỉ ở Việt Nam mà nước ngoài cũng vậy. Các cổ đông, lãnh đạo doanh nghiệp phải tự giải quyết với nhau và cuối cùng họ đều tìm được tiếng nói chung vì quyền lợi của họ gắn chặt với doanh nghiệp, nên ai cũng mong muốn doanh nghiệp ổn định, phát triển.

Tin liên quan
Tin khác