Dây chuyền sản xuất dầu ăn tại một nhà máy của Vocarimex. |
Vocarimex có gì hấp dẫn?
Việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo đấu giá cổ phần của SCIC tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Công ty cổ phần (Vocarimex, mã chứng khoán: VOC) đã khiến thị trường bớt trầm lắng.
Cụ thể, ngày 15/8, SCIC sẽ bán đấu giá 44.211.900 cổ phần, chiếm 36,30% vốn điều lệ của Vocarimex, với giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần, phương thức chào bán đấu giá cả lô. Giá khởi điểm trọn lô cổ phần này là gần 1.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư tham gia cần nộp hồ sơ năng lực cho SCIC chậm nhất là ngày 5/8/2019. Tiền cọc nộp chậm nhất là 16h ngày 14/8/2019, tiền cọc bằng 10% giá trị cổ phần theo giá khởi điểm.
Giá khởi điểm SCIC muốn thoái vốn cao hơn 34% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu VOC. Đây được cho là mức giá khá cao, song nhìn vào “của nả” Vocarimex đang sở hữu thì không có gì lạ.
Hiện Vocarimex nắm cổ phần chi phối (51,05%) tại Công ty cổ phần Bao bì Dầu thực vật VPK, sở hữu 24% vốn điều lệ của Dầu thực vật Cái Lân, 26,54% vốn điều lệ tại Dầu thực vật Tường An (TAC), 40% tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè và 40% tại Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina. Đây đều là doanh nghiệp quan trọng trong ngành dầu ăn và mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, Vocarimex đang sở hữu 7 lô đất với hình thức sở hữu là thuê của nhà nước từ 2 năm đến 50 năm làm trụ sở công ty, cửa hàng, phòng trưng bày.
Việc Vocarimex đang trong lộ trình thoái vốn của SCIC là một trong những lý do chính khiến “ông trùm” ngành dầu ăn này phải rời kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE vào năm 2020, thay vì năm nay như dự kiến ban đầu. Cổ phiếu VOC đã giao dịch tại UPCoM từ năm 2016.
Ai sẽ mua tiếp Vocarimex?
Với mức giá và nhiều “của nả” kèm theo đó, nhà đầu tư nào sẽ bỏ hàng ngàn tỷ đồng để mua trọn lô cổ phần của Vocarimex từ tay SCIC trong đợt thoái vốn này?
Tính đến ngày 22/5/2019, KIDO Group nắm giữ 62.118.000 cổ phần, chiếm 51%, SCIC nắm 36% và cổ đông khác nắm 12,70%.
Được biết, để nắm giữ 51% cổ phần Vocarimex, KIDO Group đã chi gần 1.500 tỷ đồng và “miệt mài” theo đuổi ròng rã 3 năm. Đại diện KIDO Group chưa tiết lộ việc có mua nốt số cổ phần còn lại hay không, song giới phân tích cho rằng, đây là cơ hội tiếp theo cho KIDO Group có thể sở hữu gần như toàn bộ Vocarimex để giữ vững vị thế thống trị ngành dầu ăn.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô phải hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng thị trường của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc chào bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, không có chỉ định để tránh tiêu cực trong thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế, từ khi trở thành người nắm quyền kiểm soát tại Vocarimex, KIDO Group đã giúp Vocarimex xác định lại chiến lược kinh doanh. Trước đó, các công ty con và các loại dầu ăn của Vocarimex tự sản xuất cùng cạnh tranh thị phần lẫn nhau, dẫn đến tự triệt tiêu các lợi thế, làm giảm lợi nhuận, để cho các đối thủ cạnh tranh bên ngoài hưởng lợi.
Năm 2019, Vocarimex đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng (giảm 9%), lợi nhuận trước thuế 290 tỷ đồng (tăng 11%) so với kết quả thực hiện năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Vocarimex đạt 1.320 tỷ đồng, giảm 39%; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 99 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Định hướng của Vocarimex là sẽ tiếp tục tái cấu trúc hệ thống kênh công nghiệp và gia tăng năng lực xuất khẩu.
Công ty này cho biết, thị trường dầu ăn Việt Nam hiện có quy mô hơn 15.000 tỷ đồng, phân hóa theo 4 phân khúc chính, gồm: dầu đóng chai, thương mại, khách hàng công nghiệp và xuất khẩu. Trong đó, phân khúc khách hàng công nghiệp chiếm hơn 1/3 quy mô ngành và có xu hướng tăng mạnh do sự mở rộng liên tục của các doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng nhanh.
Về xuất khẩu, hiện sản phẩm của Vocarimex đã hiện diện ở nhiều quốc gia như New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Vocarimex cho biết, Công ty sẽ tập trung vào hệ thống phân phối và sản phẩm để cạnh tranh. Vocarimex cũng có thể đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường xuất khẩu, nên nguồn thu của Công ty không chỉ đến từ bán lẻ, bán sỉ, mà còn từ xuất khẩu.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng có tên trong danh sách dự kiến thoái vốn năm nay, nhưng SCIC phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.