Theo đó, SCIC được đấu giá bán cả lô cổ phần, tức là bán cả doanh nghiệp cho một nhà đầu tư, được giảm giá bán tối đa 30% so với giá khởi điểm nếu đấu giá không thành công; được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá; được linh động trong bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp có giá trị dưới 10 tỷ đồng hoặc doanh nghiệp thua lỗ.
| ||
Khái niệm “bảo toàn vốn nhà nước” không được hiểu theo nghĩa rộng sẽ khiến SCIC bị ràng buộc |
Như vậy, SCIC không còn bị ràng buộc bởi các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng và khái niệm “bảo toàn vốn nhà nước” - vốn đã và đang gây ách tắc trong việc thoái vốn nhà nước, cản trở tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung.
Với cơ chế thoáng và phù hợp với thị trường, hy vọng, trong 2 năm tới, định chế tài chính này sẽ thoái toàn bộ vốn tại 376 doanh nghiệp, bằng khoảng 63% tổng số doanh nghiệp đã thoái vốn trong suốt 8 năm qua, nhưng với số tiền thu về gấp nhiều lần con số 4.000 tỷ đồng mà SCIC đã thu về cho Nhà nước qua việc bán vốn tại khoảng 600 doanh nghiệp kể từ năm 2006 tới nay.
Số doanh nghiệp mà SCIC làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quá nhỏ so với tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần phải đầu tư hiện vẫn còn vốn nhà nước. Vì thế, bài toán thoái vốn tại tất cả các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần phải nắm giữ vốn cũng cần phải được Bộ Tài chính tính đến.
Tiến trình thoái vốn nhà nước rơi vào “thoái trào” trong mấy năm gần đây được Bộ Tài chính đưa ra rất nhiều lý do giải thích, trong đó lý do quan trọng nhất luôn được nhắc tới là thị trường chứng khoán suy yếu, nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, lý do này chưa thuyết phục, vì cổ phiếu cũng là hàng hóa, mà là hàng hóa thì hoàn toàn có thể bán được nếu hạ giá bán. Do vậy, lý do cơ bản nhất không thoái được vốn chính là quy định cứng nhắc về bảo toàn vốn.
Thị trường chứng khoán suy thoái, phân nửa loại cổ phiếu trên sàn giao dịch đang được mua - bán với giá dưới mệnh giá, nên quy định về bảo toàn vốn đã “bóp chết” ý tưởng bán vốn của bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nào. Bởi nếu bán dưới mệnh giá, cho dù sát giá thị trường thì những người quyết định bán vốn nhà nước sẽ rơi vào vòng lao lý, với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế (Điều 165, Bộ luật Hình sự), khiến bất cứ ai muốn phá rào trong thoái vốn đều phải nản lòng.
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa chủ yếu do quan hệ cung - cầu quyết định. Trong bối cảnh cầu thị trường cổ phiếu thấp như hiện nay, nếu cứ giữ quan điểm bảo toàn vốn, không được bán vốn dưới giá trị sổ sách kế toán thì rõ ràng là phi thực tế.
Vì vậy, khái niệm “bảo toàn vốn” cần hiểu theo nghĩa là không được bán vốn nhà nước dưới giá thị trường do người bán và người mua quyết định, như cơ chế thoái vốn mà Thủ tướng Chính phủ vừa cho SCIC thực hiện. Chỉ có như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, giảm lượng vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp, góp phần quyết định sự thành công trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Mạnh Bôn