Ông có cho rằng, hoạt động thoái vốn của SCIC năm 2017 rất thành công?
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả thoái vốn năm 2017, đặc biệt là 2 thương vụ thoái vốn điển hình là thương vụ thoái vốn tại Vinamilk do SCIC thực hiện và Sabeco do Bộ Công thương thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC |
Riêng về SCIC, năm 2017 đã thực hiện thành công bán 424 tỷ đồng vốn nhà nước tại 38 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 36 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 2 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn. Nếu tính cả số vốn nhà nước bán lần đầu tại Vinamilk (5,4% vốn điều lệ) thì năm 2017, SCIC thu về cho Nhà nước là 21.208 tỷ đồng, gấp hơn 19 lần giá vốn. Còn nếu tính kể từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 8.084 tỷ đồng, thu về 27.999 tỷ đồng, tức là gấp 3,5 lần giá vốn.
Ngày 12/12/2016, chúng tôi đã bán thành công 5,4% cổ phần tại Vinamilk (tính vào kết quả năm 2017) thu về hơn 11.286 tỷ đồng. Ngày 10/11/2017, chúng tôi tiếp tục thoái vốn thành công 3,33% số cổ phần tại Vinamilk thu về 8.990 tỷ đồng. Từ cách thức tổ chức, phương thức thực hiện thoái vốn tại Vinamilk, Bộ Công thương đã có bài học kinh nghiệm để tổ chức thành công thoái 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco, thu về cho Nhà nước gần 110.000 tỷ đồng.
Việc thoái vốn thành công tại Vinamilk, Sabeco sẽ mở đường cho hoạt động thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp quy mô lớn sau này. Vì doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách thoái vốn, cổ phần hóa từ nay đến năm 2020 đã thật sự nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng nếu trừ đi thương vụ thoái vốn điển hình tại Vinamilk thì số tiền Nhà nước thu về từ bán vốn tại 985 doanh nghiệp còn lại của SCIC cũng không nhiều, thưa ông?
Rất nhiều doanh nghiệp khi chúng tôi tiếp nhận hoạt động rất trì trệ, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, có doanh nghiệp gần như phá sản. Hầu hết doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận, vốn nhà nước chỉ chiếm 1-2%, có doanh nghiệp vốn nhà nước chỉ còn một vài chục tỷ đồng, nên số tiền thu về không lớn, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với giá trị vốn bán ra.
Tôi cho rằng, quan trọng của hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước không phải là Nhà nước thu hồi được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là Nhà nước rút dần vốn và tiến tới chấm dứt đầu tư khỏi các lĩnh vực, ngành nghề mà khu vực tư nhân làm tốt hơn, Nhà nước không cần thiết phải tham gia đầu tư. Điều quan trọng nữa, sau khi cổ phần hóa, thoái vốn, giảm dần và không còn sự hiện diện của Nhà nước, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tạo thêm được việc làm và thu nhập cho người lao động.
Danh mục doanh nghiệp mà SCIC đang làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chắc cũng nằm trong tình trạng tương tự?
Hiện SCIC đang đại diện 19.107 tỷ đồng vốn nhà nước tại 133 doanh nghiệp, trong đó 70 doanh nghiệp chiếm 9,07% giá trị vốn nhà nước, tính ra vốn nhà nước bình quân tại mỗi doanh nghiệp này chỉ có khoảng 2,475 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kế nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 và năm 2017 khá ấn tượng. Dự báo năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc nhờ nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí; đặc biệt là thị trường chứng khoán đã, đang và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, nên hoạt động thoái vốn tại doanh nghiệp nhỏ sẽ bớt khó khăn hơn.
Mặc dù vậy, áp lực thoái vốn của SCIC năm 2018 vẫn rất lớn, vì năm 2017, SCIC mới bán hết vốn tại 36 doanh nghiệp trong tổng số 132 doanh nghiệp phải thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020, thưa ông?
Theo Quyết định 1001/QĐ-TTg về phê duyệt “Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020” thì trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC phải thoái vốn tại 132 doanh nghiệp còn vốn nhà nước; cổ phần hóa và thoái vốn tại 5 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; chủ động bán vốn tại 4 doanh nghiệp khác.
Với 5 doanh nghiệp cổ phần hóa và bán vốn (Công ty TNHH Khai thác và Chế biến đá An Giang, Đầu tư thương mại Tràng Tiền, Đầu tư và Phát triển HPI, In và Phát hành biểu mẫu thống kê, In thống kê TP.HCM) đang thực hiện các bước trong quá trình cổ phần hóa và sẵn sàng IPO và bán hết hết vốn nhà nước trong năm 2018 (trừ Công ty TNHH Khai thác và Chế biến đá An Giang và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền, Nhà nước vẫn giữ 51% vốn điều lệ sau cổ phần hóa).
Theo Quyết định 1001/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC chỉ phải thoái vốn tại 132 doanh nghiệp, tuy nhiên, cùng với quá trình thoái vốn, chúng tôi tiếp tục tiếp nhận phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do các bộ, ngành, địa phương nắm giữ, nên số doanh nghiệp phải thoái vốn chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều, vì thế áp lực thoái vốn rất lớn. Mặc dù vậy, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu (số tiền thu được từ thoái vốn) lên hàng đầu, chứ không phải số lượng doanh nghiệp phải thoái. Theo đó, dựa vào tín hiệu của thị trường chứng khoán, chúng tôi sẽ lựa chọn bán vốn nhà nước ở những thời điểm thích hợp, với những loại “hàng hóa” mà thị trường cần, bảo đảm tài sản nhà nước bán được với giá cao nhất.
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg thì năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, không kể số doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn năm 2017 chuyển sang. Thưa ông, liệu bộ, ngành, địa phương nào cũng có thể bán vốn theo tín hiệu thị trường?
Chính vì vậy, chúng tôi phải cân đối hài hòa bài toán xem năm 2018 bán vốn ở doanh nghiệp nào, năm 2019 bán tiếp vốn ở doanh nghiệp nào và còn lại là bán vào năm 2020 dựa theo tín hiệu thị trường. Nếu thị trường hấp thu tốt, nhà đầu tư quan tâm, dù các bộ, ngành, địa phương tập trung thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, chúng tôi vẫn tập trung thoái vốn với mục tiêu thu lại tối đa vốn nhà nước và doanh nghiệp sau khi SCIC rút vốn phải ổn định kinh doanh.
Ngược lại, nếu không đạt được mục tiêu, chúng tôi phải tính toán lại thời điểm thoái vốn, chứ không phải là bán được càng nhiều càng tốt, bán bằng mọi giá cốt hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta đã có bài học ở Vinamilk, nếu như trước đây bán sớm thì làm sao Nhà nước có thể thu được hơn 20.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần giá trị vốn nhà nước ở doanh nghiệp này.